Sáng 10/4, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thư đến các nhà giáo, chuyên gia giáo dục trên cả nước.
Chia sẻ về bức tâm thư, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trân trọng những tình cảm mà thầy Nguyễn Kim Sơn dành cho ngành giáo dục.
Vị chuyên gia cảm thấy ấn tượng với những tâm tư, tình cảm của tân Bộ trưởng gửi đến giáo viên cả nước. Đó là tình cảm yêu mến, trân trọng đồng thời là những nỗi niềm về nghề giáo trong xã hội hiện nay.
"Điều tôi cảm nhận rõ nét nhất qua bức thư của tân Bộ trưởng đó là sự đồng cảm, thấu hiểu đối với nghề giáo và đau đáu câu chuyện về vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại", TS Khuyến chia sẻ.
thay_khuyen.jpg
Điều tôi cảm nhận rõ nét nhất qua bức thư của tân Bộ trưởng là sự đồng cảm, thấu hiểu đối với nghề giáo và đau đáu câu chuyện về vị thế của người thầy.
TS Lê Viết Khuyến
Ngay từ những dòng đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nêu bật vai trò và vị thế của ngành giáo dục. Thầy Sơn khẳng định, ngành giáo dục là một ngành quan trọng, nghề giáo là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn.
Người giáo viên đang sống và làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, để đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Do vậy không có cách nào khác, ngành giáo dục cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.
"Có thể thấy, Bộ GD&ĐT dưới thời tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vẫn sẽ kiên trì với tinh thần đổi mới toàn diện trong ngành. Đây cũng là điều mà ngành giáo dục nước nhà mong mỏi. Tinh thần đổi mới đã được thể hiện qua nhiều đời Bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Vì thế cá nhân tôi mong Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ kế thừa được những thành quả từ người tiền nhiệm, khắc phục điểm chưa hoàn thiện để nâng cao chất lượng giáo dục", TS Lê Viết Khuyến đánh giá.
Trong bức thư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thể hiện sự trân trọng đối với nghề giáo viên, đồng thời là nỗi niềm về vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại. Xuất thân là một nhà giáo, hơn ai hết thầy Sơn hiểu rõ và trân trọng những giá trị của người làm thầy.
Tuy nhiên phải thừa nhận một điều đau lòng rằng, vị thế của người giáo viên trong xã hội hiện đại đang ngày càng bị xem nhẹ. Đó là những câu chuyện về lương, thưởng, chế độ chính sách dành cho giáo viên tương đối thấp khiến nhiều thầy cô phải sống trong cảnh nghèo khó. Đó là những câu chuyện người giáo viên bị hành hung, bị lăng mạ... ngay trên giảng đường mà không có cơ chế bảo vệ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời nhắn nhủ đến đội ngũ giáo viên trên cả nước cần phải cố gắng, gương mẫu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn. Và khi làm được những điều như vậy mới giúp nghề giáo trở nên tôn nghiêm trong xã hội, xứng đáng với danh xưng "nghề cao quý".
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi gắm đến toàn thể đội ngũ giáo viên trên cả nước, mỗi cá nhân cần phải giữ được niềm tin vào chính mình, tin vào khả năng và năng lực của bản thân, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà toàn ngành đang nỗ lực kiến tạo, xây dựng. Bộ trưởng cam kết dưới cương vị là một nhà giáo, nhà quản lý, ông sẽ làm hết tâm sức để nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam, vì tất cả học sinh, giáo viên trên cả nước.
Đồng cảm với tân Bộ trưởng, TS Lê Viết Khuyến kỳ vọng dưới thời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục sẽ có những khởi sắc, vị thế của người thầy sẽ ngày càng được củng cố.
"Qua đây tôi cũng gửi gắm những mong mỏi về một sự khởi sắc đối với ngành giáo dục nước nhà. Tôi cũng mong Bộ trưởng sẽ vượt qua được sức ép của dư luận, mạng xã hội để làm việc hiệu quả nhất. Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh cùng Bộ GD&ĐT trong nhiệm kỳ mới với mục tiêu phát triển giáo dục nước nhà”, TS Lê Viết Khuyến nói.