Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bóng rổ xe lăn tại Paralympic 2024: Chơi thế nào, có gì khác phiên bản gốc?

(VTC News) -

Bóng rổ phiên bản xe lăn là một trong những môn thể thao thú vị tại Paralympic - Thế vận hội dành cho người khuyết tật.

Bóng rổ xe lăn là một trong môn thể thao được quan tâm nhất tại Thế vận hội cho người khuyết tật - Paralympic 2024. Môn thi được chia làm 2 nội dung cho nam và nữ. Số lượng đội tham dự ở mỗi nội dung là 8, giảm 4 đội so với Paralympic 2020. 

Bóng rổ xe lăn Mỹ đã giành HCV ở nội dung nam ở 2 kỳ Paralympic liên tiếp (2016 và 2020). Hà Lan là đương kim vô địch ở nội dung nữ, sau khi đánh bại đội tuyển Trung Quốc tại Paralympic 2020.

Đội tuyển Việt Nam không tham dự môn bóng rổ xe lăn tại kỳ Thế vận hội 2024. Sau đây, hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và luật chơi của môn thể thao có tuổi đời gần 80 năm.

Mỹ là quốc gia thành công nhất tại môn bóng rổ xe lăn.

Nguồn gốc môn bóng rổ xe lăn

Môn bóng rổ xe lăn được sáng lập bởi các cựu chiến binh Mỹ, trở về từ Thế chiến 2 năm 1945. Năm 1948, giải đấu bóng rổ xe lăn cấp quốc gia của Mỹ (NWBT) ra đời với 6 đội tham dự.

Sức nóng của môn thể thao lan tỏa mạnh mẽ tới bạn bè thế giới từ năm 1955. Tại Anh, có tới 65 đội đang thi đấu trong hệ thống giải bóng rổ xe lăn VĐQG (NWBL).

Môn này lần đầu được đưa vào thi đấu tại Paralympic Rome 1960. Hiện môn thể thao này đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia. Mỹ là đội thành công nhất tại các kỳ Paralympic.

Ngoài Thế vận hội cho người khuyết tật, bóng rổ xe lăn còn có giải vô địch thế giới được tổ chức 4 năm một lần.

Tại giải đấu gần nhất được tổ chức vào năm 2022 (Dubai), đội tuyển Mỹ giành chức vô địch nam, trong khi Hà Lan bảo vệ thành công chức vô địch nội dung nữ.

Luật chơi và quy định

Liên đoàn bóng rổ xe lăn quốc tế (IWBF) là cơ quan chủ quản của bộ môn bóng rổ xe lăn, được Uỷ ban Paralympic Quốc tế (IPC) và Liên đoàn bóng rổ Thế giới (FIBA) công nhận.

Luật của bóng rổ xe lăn khá giống với luật bóng rổ truyền thống. Dù các VĐV ngồi xe lăn, nhưng chiều cao rổ vẫn là 3m05, vành rổ có đường kính 45cm, sân dài 28m, giống môn bóng rổ truyền thống.

Quả bóng cũng có kích cỡ, chất liệu giống môn bóng rổ giành cho các VĐV khỏe mạnh.

Sân đấu của môn bóng rổ xe lăn giống sân đấu bóng rổ truyền thống.

Mỗi đội được đăng ký 12 VĐV và dùng 5 VĐV trên sân. Các VĐV buộc phải đập bóng thay vì để bóng trên trong trận đấu. 

Cách tính điểm cũng giống bóng rổ truyền thống. Đội nhận về 3 điểm cho các cú ném ngoài vùng Field, 2 điểm với các cú ném trong vùng Field và 1 điểm cho ném phạt.

Trọng tài sẽ thổi còi báo phạm lỗi nếu xe của VĐV tương tác trái phép với xe đối thủ. Thời gian thi đấu là 4 hiệp, mỗi hiệp 10 phút.

Chiếc xe lăn được sử dụng trong môn này khá đặc biệt. Xe có 2 bánh nhỏ ở phía trước, 2 bánh xe lớn hơn phía sau. Ghế của các hậu vệ được thiết kế thấp hơn để hạ trọng tâm, có lợi khi chuyển hướng.

Ghế của các trung phong lại cao hơn, giúp VĐV có lợi thế trong những tình huống bóng lập bập. 

Thành Lộc

Tin mới