Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết giới đầu tư toàn cầu đang nắm giữ trái phiếu bằng đồng USD của Evergrande đã không thể nhận được khoản chi trả lãi suất đáo hạn ngày 23/9. Khoản tiền này trị giá khoảng 83,5 triệu USD, ứng với lượng trái phiếu phát hành 2,93 tỉ USD. Đây là lãi trái phiếu bằng đồng USD kỳ hạn 5 năm của Evergrande, sẽ đáo hạn vào tháng 3/2022.
Evergrande vẫn có thể trả chậm, nhưng chỉ gói gọn trong thời hạn “vùng xám” 30 ngày trước khi các trái chủ có thể đưa ra yêu cầu tuyên bố ông lớn bất động sản Trung Quốc phá sản. Việc không thanh toán đúng hạn tiền lãi trái phiếu này có thể mở ra một viễn cảnh phá sản trái phiếu bằng đồng USD lớn nhất do một công ty châu Á phát hành. Đại diện Evergrande không phản hồi thông tin từ WSJ đề nghị cho biết phản ứng.
Evergrande đang phải gánh khoản nợ lên đến hơn 300 tỉ USD. (Ảnh: Nikkei Asia)
Thời hạn chót thanh toán tiền lãi hôm 23/9 được giới đầu tư toàn cầu coi là mốc đặc biệt quan trọng sau khi Evergrande lâm vào khủng hoảng tài chính khởi đầu từ mùa hè vừa qua, dòng tiền thanh khoản bị bóp nghẹt. Tình thế khó khăn đã buộc Evergrande phải ngừng xây dựng một số dự án phát triển căn hộ, nhà ở đang còn dang dở, trong khi doanh thu giảm mạnh. Kể từ khi thành lập năm 1996, Evergrande chưa bao lỡ hẹn trả lãi trái phiếu.
Ngày 22/9, tập đoàn Evergrande thông báo đã đạt được một thỏa thuận về trả lãi trái phiếu trong nước phát hành bằng đồng nhân dân tệ, trong bối cảnh tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc này đang bên bờ vực sụp đổ. Trong một tuyên bố với sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Hengda Real Estate Group – đơn vị bất động sản của tập đoàn Evergrande - khẳng định sẽ trả một khoản lãi trái phiếu phát hành trong nước.
Số trái phiếu này có lãi suất 5,8%, đáo hạn gốc vào tháng 9/2025, đang được giao dịch ở Thâm Quyến. Theo số liệu của Refinitiv, tổng số tiền lãi trái phiếu mà Hengda Real Estate đã thương thảo để trả trong ngày 23/9 là khoảng 232 triệu nhân dân tệ (35,9 triệu USD). Tuy nhiên, đại diện của Evergrande không cho biết việc chi trả được thực hiện bằng tiền mặt hay tài sản khác. Cổ phiếu của Evergrande giảm giá trị 11,6% trong phiên giao dịch ngày 24/9 trên sàn chứng khoán Hong Kong và tính từ đầu năm đến nay đã mất 84% giá trị.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát lệnh yêu cầu các tỉnh, thành phố chuẩn cho bị kịch bản Evergrande sụp đổ nhằm “sẵn sàng đối phó với một cơn bão có khả năng xảy ra”. Theo nguồn thạo tin ẩn danh, các cơ quan chính quyền cũng như doanh nghiệp nhà nước tại các địa phương cũng được hướng dẫn công việc cần làm để xử lý hậu quả vào phút chót nếu Evergrande sụp đổ do không xử lý được khoản nợ lớn.
Các tòa chung cư và khu không gian công cộng do Evergrande xây dựng tại tỉnh Giang Tô. (Ảnh: Bloomberg)
Chính quyền địa phương cũng nhận được yêu cầu sẵn sàng đối phó, ngăn chặn bất ổn, xử lý hiệu ứng phản đối lan truyền từ những người mua nhà; rộng hơn là hạn chế tình trạng lao động mất việc làm hàng loạt – đều là những kịch bản có thể xảy ra khi tình hình của Evergrande càng trở nên tồi tệ.
Evergrande - nhà phát triển bất động sản mắc nợ lớn nhất thế giới, là tập đoàn phát hành trái phiếu ghi nợ lớn nhất ở Trung Quốc, với lượng trái phiếu trị giá 19 tỉ USD đang được các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Giá của một loại trái phiếu này hiện chỉ còn 25 xu tính theo đồng USD, phản ánh bi quan cực độ của nhà đầu tư đối với khả năng trả nợ của Evergrande.
Thời điểm này đúng 13 năm trước, thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ toàn cầu rơi vào tình cảnh hỗn loạn, khi WSJ đăng phát thông tin tập đoàn Lehman Brothers không đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ về gói giải cứu và buộc phải tuyên bố phá sản vì vỡ nợ. Sụp đổ của Lehman cũng châm ngòi cho khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008.
Lần này, giới đầu tư toàn cầu có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho thời điểm Evergrande không trả được nợ. Cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande đã bắt đầu rớt giá vào đầu mùa hè vừa qua, khi ông lớn bất động sản có trụ sở ở Thâm Quyến này chiết khấu mạnh giá bán căn hộ, làm dấy lên lo ngại công ty đang gặp khó khăn về dòng tiền, thanh khoản để trả lãi suất và các khoản chi phí khác.
“Lần này sẽ là một dạng phá sản có kiểm soát, có điều tiết để không làm giới chức và nhà đầu tư rơi vào trạng thái sốc. Đó sẽ không phải là kiểu ‘thời khắc Lehman’, nhưng thị trường đã và sẽ theo dõi chặt chẽ những hệ quả không mong muốn mà đổ vỡ của Evergrande gây ra”, Thu Ha Chow, chiến lược gia tín dụng cao cấp giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Loomis Sayles ở Singapore bình luận.