Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Y tế: Vụ nâng khống giá kit test COVID-19 của Việt Á rất nghiêm trọng

(VTC News) -

Bộ Y tế nêu vụ nâng khống giá kit test COVID-19 của Công ty Việt Á rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm.

“Việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh và cho biết sẽ cương quyết phòng chống tiêu cực và tham những trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, sinh phẩm y tế.

Theo Bộ Y tế, với những vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng dịch, thời gian qua, Bộ ra nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh trong công tác mua sắm, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị phòng chống dịch, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm.

Bộ sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Doanh nghiệp công khai giá thiết bị

Liên quan giá bộ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á mà nhiều địa phương trên cả nước đã mua, ngày 21/12, đại diện Bộ Y tế cho biết, giá bộ kit test của Việt Á hay bất kỳ sinh phẩm xét nghiệm nào đều được công khai, minh bạch để địa phương chủ động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị. 

Theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

Bộ đã ra hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường triển khai thực hiện việc công khai giá trang thiết bị y tế và công khai kết quả trúng thầu. Hiện Cổng công khai giá trang thiết bị y tế có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán (giá niêm yết theo quy định của Luật giá), hơn 60.000 mặt hàng trang thiết bị y tế công khai giá (8.256 thiết bị y tế; 36.191 vật tư y tế; 15.584 IVD) và 93.253 kết quả trúng thầu.

Cùng thời điểm Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á niêm yết trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm cho bộ kit test của mình, thì Công ty cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP giá 385.000 đồng/sản phẩm, Công ty Ampharco U.S.A giá 179.800 đồng/sản phẩm…. Thông tin này được công khai để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng.

Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các nhà cung cấp, kinh doanh trang thiết bị y tế thực hiện nghiêm việc công khai, cập nhật về giá trang thiết bị y tế bảo đảm chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định. Trong đó, cơ quan này đề nghị công khai giá bán đến đơn vị nhỏ nhất. Ví dụ, với trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, đề nghị công khai giá đến 1 đơn vị xét nghiệm. Trong trường hợp bất khả kháng có biến động về giá (nếu có) do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chủ động rà soát, cập nhật và chịu trách nhiệm về giá niêm yết trên Cổng điện tử công khai giá.

Bộ cũng thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo nguồn cung và giảm giá, trong đó tập trung ưu tiên đẩy mạnh việc cấp giấy phép nhập khẩu và sản xuất trong nước để tăng số lượng mặt hàng cung ứng trên thị trường, nhằm tăng sự cạnh tranh, giảm giá sản phẩm. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), quy định giá sinh phẩm xét nghiệm thuộc mặt hàng quản lý giá. Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá.

Địa phương chịu trách nhiệm

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương chủ động mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Việc thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế cứ theo các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác mua sắm, Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh COVID-19, trong đó việc xác định giá gói thầu mua sắm được quy định rất rõ. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế cũng ra văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm trong phòng chống dịch rất cụ thể.

Trên cơ sở đó, địa phương, đơn vị phải thực hiện việc đấu thầu mua sắm theo các quy định hiện hành của Nhà nước và tự chịu trách nhiệm về việc mua sắm này.

“Bộ Y tế đã có các công văn gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, nghiêm cấm việc tăng giá hoặc đầu cơ, tích trữ và nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá trên Cổng điện tử công khai giá. Đồng thời chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định”, đại diện Bộ Y tế cho biết.

Theo điều tra, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập. Tháng 3/2020, sau khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua, Bộ Y tế đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á.

Phan Quốc Việt và thuộc cấp khai lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 của các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Hải Dương. Việt và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) thỏa thuận để Công ty Việt Á cung cấp sản phẩm cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Bộ Công an cho rằng Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, bị can Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Tuyến gần 30 tỷ đồng. Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng vụ án đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Phạm Quý

Tin mới