Trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hoá cồng chiêng và cần chuẩn bị từ sớm, từ xa để lượng hóa cụ thể Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng biểu dương những kết quả mà cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đạt được trong thời gian qua, nhất là từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất từ độc canh cây lúa sang trồng những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Từ đó đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). (Ảnh: Ngọc Hoà).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Ngọc Tụ (Đăk Tô) đề nghị các Sở, ngành và chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ trao tặng các bộ cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để bà con có điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Kon Tum cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho đồng bào của huyện Đăk Tô 13 bộ cồng chiêng, tuy nhiên so với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng vẫn chưa đáp ứng đủ. Vì thế sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ cồng chiêng cho bà con theo đúng quy định của Nhà nước, quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng để nhân dân thuận tiện đi lại, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Đối với kiến nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Sở VHTTDL rà soát, đánh giá lại các chương trình bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn; xây dựng chương trình phổ cập đến từng thôn, làng, và đặc biệt ưu tiên những vùng có đông đảo đồng bào sinh sống, có nghệ nhân để kịp thời bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Không thể để mỗi xã chỉ có một bộ cồng chiêng dùng chung như hiện nay.
“Di sản văn hóa cồng chiêng phải được bảo tồn, gìn giữ và trao truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác trong không gian truyền thống. Có làm được như vậy thì di sản mới không bị mai một, mất mát.
Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không khẩn trương triển khai, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, thì một khi những thế hệ nghệ nhân già không còn nữa sẽ biết ai truyền dạy cho thế hệ mai sau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hoá cồng chiêng để không bị mai một, mất mát.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, tích cực xây dựng, hình thành các làng kiểu mẫu trở thành điểm đến du lịch và sau đó làm du lịch cộng đồng, đời sống nhân dân sẽ được cải thiện, nâng cao.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ đang tích cực khẩn trương tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Trong đó có rất nhiều nội dung, nhưng có một nội dung rất thiết thực mà đồng bào, cử tri cũng đang rất cần, đó là hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ cấp thôn, làng, xã, đến cấp huyện, tỉnh. Việc bảo tồn di sản cồng chiêng và nhiều di sản khác cần phải được xem xét để hỗ trợ cho những tỉnh còn khó khăn.
Bộ trưởng đề nghị địa phương nên sớm lựa chọn, cân nhắc các dự án để khi chương trình được thông qua thì phải triển khai ngay.
Ông Hùng cho rằng cần rút kinh nghiệm từ những chương trình mục tiêu trước, có tiền nhưng không thể giải ngân, không thể triển khai được. Trong khi đó, đồng bào đang cần, kinh phí đã chuẩn bị sẵn nhưng vẫn ở đấy. Do vậy, ngay từ sớm, từ xa phải suy nghĩ để lượng hóa một cách cụ thể, chương trình chắc chắn sẽ có hiệu quả.