Theo SCMP, nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết đã có sự hiểu lầm khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin yêu cầu nói chuyện với Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kì Lượng, gây "lỗi" liên lạc tại Bộ quốc phòng Trung Quốc.
Nguồn tin giấu tên giải thích rằng người đồng cấp của ông Austin nên là Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, thay vì ông Hứa - người đứng thứ 2 trong quân ủy trung ương, dưới quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Cả ông Hứa và ông Ngụy đều chịu trách nhiệm báo cáo với ông Tập, nhưng theo nghi thức ngoại giao, người đồng cấp của ông Austin là ông Ngụy”, nguồn tin nói. “Lầu Năm Góc hiểu điều này khi (những người tiền nhiệm của Austin) là Mark Esper và James Mattis đương nhiệm”.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái). (Ảnh: AP)
Tờ Financial Times đưa tin rằng Bắc Kinh đã 3 lần từ chối yêu cầu nói chuyện với ông Hứa qua điện thoại của ông Austin, dẫn nguồn tin giấu tên từ bộ quốc phòng Mỹ. Hôm 24/5, tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc cho biết Lầu Năm Góc “không tuân theo nghi thức ngoại giao”.
Trong khi đó, các chuyên gia quan hệ quốc tế Trung Quốc thông tin rằng các kênh liên lạc giữa chính phủ và quân đội hai nước gần như bị đình chỉ kể từ cuộc hội đàm căng thẳng giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của họ ở Alaska hồi tháng 3.
Các nhà quan sát khác thì không đồng ý rằng yêu cầu của ông Austin phá vỡ giao thức ngoại giao và là nguyên nhân dẫn đến sự cố liên lạc. Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế từ đại học Nam Kinh, cho biết bối cảnh quan trọng hơn chức danh công việc.
"Hai nước sẽ không quan tâm đến chức danh chính thức của các đối tác đàm phán mà là về thẩm quyền hành pháp của họ", Zhu nói. "Các mâu thuẫn hiện tại cho thấy hai nước đã đạt đến giai đoạn mà cả hai bên cần phải hòa hợp hơn".
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận định sự chia rẽ sâu sắc giữa ông Tập và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã khiến quá trình giao tiếp bị đình trệ.
Ông Shi nói: “Có thể hiểu được rằng bộ quốc phòng Trung Quốc sẽ từ chối yêu cầu từ các đối tác Mỹ trong thời gian họ cạnh tranh gay gắt, khi Bắc Kinh cảm thấy lợi ích của họ bị Mỹ thách thức". Chuyên gia này đề cập đến nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan và các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Đầu tháng 5, ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Biden, cho biết các đường dây nóng giữa hai nước giống như đang đặt trong "phòng trống", làm dấy lên lo ngại rằng việc không có kênh liên lạc giải quyết khủng hoảng có thể dẫn đến xung đột quân sự giữa hai bên, xuất phát từ những căng thẳng như tại eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Shi nói rằng kể từ cuối tháng 4, có một số dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh và Washington "tình cờ" ra lệnh cho quân đội tiền tuyến kiềm chế trong các cuộc chạm trán trong khu vực.
“Bất chấp những lời lẽ khẩu chiến, cả quân đội Trung Quốc và Mỹ đều khá cẩn thận để tránh thực hiện bất kỳ động thái khiêu khích nào làm tổn thương lẫn nhau”, Shi bình luận.