Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bỏ ngay thói quen rã đông thịt kiểu này nếu không muốn ngộ độc thực phẩm

Rã đông thịt không đúng cách nghiêm trọng hơn bạn nghĩ, ngoài việc làm giảm dinh dưỡng còn có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Trong đời sống hiện đại, chiếc tủ lạnh là vật dụng quen thuộc với tất cả mọi nhà nhưng không phải ai cũng biết cách rã đông thực phẩm đúng cách.

Chính phủ Canada dành một mục riêng hướng dẫn người dân rã đông thực phẩm để tránh làm mất dinh dưỡng trong đồ đông lạnh cũng như tránh ngộ độc thực phẩm. Chính phủ nước này giải thích, các loại thịt và hải sản phải đạt nhiệt độ nấu bên trong đủ lớn mới có thể diệt được vi khuẩn.

Cách rã đông an toàn nhất là để thực phẩm dưới ngăn mát tủ lạnh cho tan đá dần.

Nếu rã đông không đúng cách, vi khuẩn sẵn có trên bề mặt thực phẩm từ trước khi cấp đông sẽ tiếp tục sinh sôi khắp miếng thịt. Trường hợp miếng thịt vẫn còn cứng đã được mang đi nấu sẽ chín không đều, một số phần trong miếng thị có thể không đạt đến nhiệt độ nấu an toàn đủ diệt vi khuẩn.

Có 3 cách rã đông thịt: Tủ lạnh, lò vi sóng và ngâm trong nước lạnh. Dù rã đông theo cách nào cũng cần tuân thủ 4 nguyên tắc:

Thứ nhất, không để thức ăn rã đông ở nhiệt độ phòng, đây là điều kiện lý tưởng khiến vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng khả năng ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở nhóm người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Tuy nhiên thực tế rất nhiều gia đình vẫn đang rã đông theo cách này.

Thứ hai, trước khi rã đông thịt nên kiểm tra bao bì, đảm bảo không bị rách hoặc hở để tránh rò rỉ nước làm ô nhiễm, lây chéo ra thực phẩm khác.

Thứ ba, khi thực phẩm đã rã đông hoàn toàn, tuyệt đối không cấp đông trở lại. Bạn chỉ được phép cấp đông trở lại khi thực phẩm mới tan đá một phần, vẫn còn dính các tinh thể đá trên bề mặt.

Thứ tư, tránh lây nhiễm chéo khi rã đông bằng cách khử trùng bồn rửa, chén đĩa hay hộp chứa thực phẩm rã đông, bên trong lò vi sóng.

Rã đông bằng tủ lạnh

Đây là cách rã đông an toàn nhất, tuy nhiên sẽ hơi mất thời gian. Bạn bỏ thực phẩm cần rã đông vào hộp hoặc đĩa sạch, bọc kín lại rồi để xuống ngăn mát dưới cùng của tủ lạnh để tránh lây nhiễm chéo sang thực phẩm khác.

Theo tính toán, để rã đông 1 con gà 2,5kg cần để thực phẩm dưới ngăn mát 24 giờ. Đối với các loại thịt khác, thời gian rã đông dưới 24 giờ là đủ.

Rã đông bằng lò vi sóng

Trong trường hợp cần rã đông nhanh, bạn có thể sử dụng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm, tan đông.

Lưu ý khi rã đông cần lột bỏ các bao bì không an toàn với lò vi sóng như hộp xốp, túi nilon, bìa carton, thay vào đó cần đặt thực phẩm trong hộp hoặc đĩa sâu có nắp hay màng bọc an toàn với lò vi sóng, tránh nước từ thực phẩm chảy ra ngoài.

Với phương pháp này, thực phẩm cần được chế biến ngay vì thịt có thể bị chín một phần.

Rã đông với nước

Rất nhiều người ngâm trực tiếp thực phẩm đông lạnh trong nước để rã đông. Đây là cách làm không đúng.

Rất nhiều gia đình thả trực tiếp thực phẩm vào nước lạnh để rã đông, tuy nhiên cách làm này khiến dịch bào chứa chất dinh dưỡng tan ra và hòa vào nước làm mất chất dinh dưỡng, thực phẩm khi nấu cũng bị nhão và nhạt hơn.

Cách rã đông đúng cách là để thực phẩm trong túi nhựa, túi nilon chống rò rỉ, sau đó cầm cả túi xối dưới vòi nước lạnh cho đến khi thịt được rã đông hoàn toàn. Hoặc bạn cũng có thể ngâm túi thực phẩm đã được bọc kín trong bồn nước, thay nước sau mỗi 30 phút cho đến khi thịt được rã đông.

Rã đông thức ăn thừa

Có thể rã đông thức ăn thừa bằng cách để dưới ngăn mát tủ lạnh hoặc lò vi sóng. Tuy nhiên cần nấu lại trước khi ăn và nếu còn thừa, tuyệt đối không cấp đông trở lại.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới