Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ thông tin liên quan đến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà Bộ chuẩn bị trình Thủ trướng xem xét.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, do dịch bệnh COVID-19 nên kế hoạch năm học 2019-2020 phải điều chỉnh. Bộ GD&ĐT đã công bố tinh giản chương trình học kỳ 2 và kỳ thi THPT tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8/2020.
Cùng thời điểm này Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020). Do vậy, năm nay sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Kỳ thi năm nay sẽ do UBND tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, UBND tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
Các tỉnh sẽ thành lập hội đồng thi, tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ đảm nhiệm tổ chức các khâu như: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi diễn ra trên tinh thần gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi để không xảy ra các gian lận thi cử.
Dự kiến, mỗi hội đồng thi có các điểm thi được bố trí thuận lợi và cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh, có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Kỳ thi an toàn, tránh gian lận
Về đảm bảo an ninh kỳ thi, Thứ trưởng Độ cho biết, kỳ thi tổ chức sẽ là cơ sở để giảm bớt tính cục bộ giữa các địa phương; làm căn cứ để phân loại, đánh giá chất lượng dạy, học giữa các trường trong từng địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Dự kiến ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, thanh tra của sở GD&ĐT, công tác thanh tra sẽ có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi; nhất là các khâu in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, công tác coi thi và chấm thi.
Hơn nữa, thi tốt nghiệp là kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông để đánh giá chất lượng của giáo dục là cần thiết, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh (nếu không thi thì một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực). Đồng thời, kỳ thi cũng sẽ góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.
“Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng là yêu cầu đầu tiên, cao nhất đối với kỳ thi. Để thực hiện được cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng.
Bộ sẽ áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi. Đồng thời tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đề phòng gian lận.
Đặc biệt, năm nay, các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD&ĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi.
Cuối cùng, Bộ sẽ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi, cùng với đó là các chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận nếu có.
Video: Họp bàn phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020