Ngày 3/7, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Bộ Công Thương đề nghị 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về điện lực thực hiện kiểm tra giám sát đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý trong việc tuân thủ quy định về quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt); Quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; Quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và an toàn trong sử dụng điện; Quy định về mua bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp. (Ảnh minh họa: VGP)
Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương có trách nhiệm theo dõi, quản lý danh sách khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý thực hiện mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng theo quy định. Đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo phạm vi khu vực quản lý.
Bên cạnh đó, trong văn bản gửi Tập đoàn EVN, các tổng công ty Điện lực và trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) quy định hai hình thức tham gia mua bán điện trực tiếp bao gồm: qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia.
Đối với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, bên bán điện là các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.
Bên mua điện là các khách hàng sử dụng điện lớn: có sản lượng tiêu thụ điện trung bình 12 tháng gần nhất từ 200.000 kWh/tháng trở lên (đối với các khách hàng hiện hữu đang sử dụng); hoặc có sản lượng tiêu thụ điện đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên (đối với các khách hàng mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng).
Hai bên tự đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Nghị định. Giá bán điện do hai bên thỏa thuận, trừ trường hợp quy định khác.
Đối với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, bên bán điện là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ gió hoặc mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất đấu nối cấp điện áp từ 22 kV trở lên; hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất ủy quyền mua điện từ Tổng công ty Điện lực, ký kết hợp đồng kỳ hạn với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.
Trong trường hợp này, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá, chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác mà khách hàng phải trả và thỏa thuận trong hợp đồng CfD giữa hai bên.