Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Công Thương nêu khó khăn khi mua bán điện trực tiếp

(VTC News) -

Theo Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cơ chế mua bán điện trực tiếp còn khá mới nên khi triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 6/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngày 3/7, Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, có hiệu lực ngay từ ngày 3/7.

Đây là cơ chế khá mới, được thực hiện bằng hai phương thức: Mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối với lưới điện quốc gia; mua bán điện trực tiếp có kết nối với lưới điện quốc gia.

Ngay sau khi Nghị định số 80/2024/NĐ-CP được ban hành, ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp chủ trì hội nghị triển khai thực hiện Nghị định, có sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông báo chí…

Theo Thứ trưởng, bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành cũng gặp những khó khăn trong triển khai thực thi. Đặc biệt với Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, cơ chế mua bán điện trực tiếp còn mới, chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định.

Khó khăn đầu tiên là trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối với lưới điện quốc gia, hai bên tham gia cơ chế là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn sẽ tự thảo luận hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, hợp đồng này được quy định mang tính chất định hướng, còn các nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề mua bán, trao đổi, giá cả… sẽ tôn trọng thỏa thuận giữa hai bên.

"Tôi cho rằng ở đây có thể sẽ xuất hiện sự lúng túng trong thực hiện, đặc biệt đối với bên vận hành điện lực, chưa biết dựa trên cơ sở nào để đàm phán", Thứ trưởng nói.

Khó khăn thứ hai là trong trường hợp mua bán điện trực tiếp có kết nối với lưới điện quốc gia, rõ ràng phải đảm bảo tính hệ thống và tính an toàn trong vận hành hệ thống điện; nhu cầu của khách hàng và năng lực cung ứng có thể chưa gặp nhau ở một số điểm.

Khó khăn thứ ba, do đây là cơ chế mới, các đơn vị phát điện, đơn vị điện lực và đặc biệt là đơn vị vận hành (các trung tâm điều độ hệ thống điện) sẽ phải sử dụng quy trình riêng để thực hiện việc này.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ theo dõi và có các chỉ đạo, về cơ bản đã giao cho các đơn vị để triển khai. Bộ cũng cố gắng để rà soát, triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình thực hiện.

Bộ Công Thương đưa ra 3 giải pháp cụ thể. Thứ nhất, đối với các địa phương, cần tạo điều kiện, rà soát lại các quy hoạch, trên cơ sở đó đồng bộ hóa với các giải pháp liên quan đến vấn đề xây dựng, phòng cháy chữa cháy để phát triển các nhà máy năng lượng tái tạo, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sử dụng điện lớn trong cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Thứ hai, đối với EVN - đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý đơn vị vận hành hệ thống điện quốc gia, phải xây dựng các quy trình, quy chế để thực hiện Nghị định, đáp ứng được nhu cầu đăng ký của các khách hàng lớn và các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.

Thứ ba, Bộ Công Thương giao cho các đơn vị thuộc Bộ, trực tiếp là Cục Điều tiết điện lực, chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát lại các thông tư, quy định có liên quan để xem xét, nghiên cứu, sửa đổi nhằm hỗ trợ và đảm bảo việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp hiệu quả trong thời gian tới.

"Đây là cơ chế còn mới, chúng tôi đã dự báo trước tình hình và đề ra các giải pháp, đồng thời chúng tôi đã thành lập một tổ công tác để theo dõi kịp thời và phản ứng nhanh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Châu Anh

Tin mới