Giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá cước vận tải biển tăng mạnh...là nguyên nhân khiến nhập siêu 1,45 tỷ USD trong 10 tháng.
Xuất siêu trở lại trong tháng 10 với mức 1,1 tỷ USD nhưng luỹ kế 10 tháng Việt Nam vẫn nhập siêu 1,45 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD, Bộ Công Thương đã chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến cán cân thương mại thâm hụt theo chiều nhập siêu.
4 nguyên nhân chính dẫn đến nhập siêu bao gồm: Kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Hai là giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta. Nguyên nhân thứ 3 là giá cước vận tải biển tăng cao cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu. Thứ 4 là hoat động xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6.
Dù nhập siêu 1,45 tỷ USD sau 10 tháng, nhưng Bộ Công Thương vẫn nhận định, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi các ngành hàng xuất khẩu đều đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng hóa nước ta có lợi thế.
Ghi nhận sau 10 tháng, xuất khâu sang các thị trường chủ lực đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Điển hình là Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta khi chiếm tỷ trọng 28,37% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch ước tính đạt 76,02 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 44,68 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 16,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường EU ước tính đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9% và chiếm tỷ trọng 11,83% xuất khẩu của cả nước; Thị trường ASEAN ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 21,2%, chiếm 8,6%; Thị trường Hàn Quốc ước đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%; Thị trường Nhật Bản ước đạt 16,09 tỷ USD, tăng 2,2%.
Từ nay đến cuối năm để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi.
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.