Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Công an cảnh báo gia tăng tội phạm lừa đảo lĩnh vực chứng khoán, đầu tư

(VTC News) -

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, tội phạm lừa đảo tài chính, chứng khoán, đầu tư... có thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ thủ đoạn như: tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiển ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp. Sau đó, chúng can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thu lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.

"Đặc biệt hơn là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... với thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp", Trung tướng Tô Ân Xô lưu ý.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an.

Bộ Công an cũng chỉ ra tội phạm đăng thông tin giả mạo và các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Nhiều vụ có số lượng lớn bị hại tại nhiều địa phương với các thủ đoạn điển hình như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế...  rồi yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt; hoặc tội phạm giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại. Từ đó, chúng đăng nhập vào tài khoản của bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt. 

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an đã chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch để chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lãnh đạo Bộ Công an giao Cục Cảnh sát Hình sự là đơn vị nòng cốt, tham mưu tổ chức triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, triệt để trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhằm răn đe, kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này.

Theo thống kê, năm 2021, lực lượng Cảnh sát Hình sự đã bắt giữ, xử lý 1.691 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 74,46%), xử lý 2.089 đối tượng.

Công an Thanh Hóa bắt giữ kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Điển hình, Cục Cảnh sát Hình sự phá chuyên án đấu tranh với nhóm người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh cán bộ ngân hàng, hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội và một số địa phương, do Lê Tú Quang, sinh năm 1993 cầm đầu. Công an Hà Tĩnh đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyến cộng tác viên bán hàng online; bắt giữ, triệu tập 83 đổi tượng, khởi tổ 41 bị can. 

Quý I/2022, lực lượng Cảnh sát Hình sự bắt giữ, xử lý 372 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 79,15%), xử lý 491 đối tượng.

Ngày 15/12/2021, Công an Nghệ An bắt Phan Văn Tài, sinh năm 1996 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 6/2021 đến nay, Tài sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để đăng bài trong các hội, nhóm từ thiện với nội dung liên quan người có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi mọi người chuyển tiền vào tài khoản để ủng hộ cháu bé, lừa 1.617 bị hại với số tiền hơn 200 triệu đồng. 

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng.

Người dân cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”. 

Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ Công an đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của những người này chuyển tiền vào các tài khoản do các họ chỉ định. 

Khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, cần kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Bộ Công an cũng cảnh báo người dân không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng; không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Minh Tuệ

Tin mới