Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bình Định: Dân mỏi mòn vì hơn 1 km đường làm 4 năm chưa xong

(VTC News) -

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Mây nối dài (TP Quy Nhơn) được triển khai từ năm 2019 đến nay vẫn chưa hoàn thành khiến người dân nơi đây phải đợi chờ mòn mỏi.

Video: Dự án tuyến đường Ngô Mây nối dài, TP. Quy Nhơn 4 năm chưa xong

 

Người chấp nhận giá đền bù: Mệt mỏi chờ khu tái định cư

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Mây nối dài do Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 396 tỷ đồng. Tuyến đường này bắt đầu từ ngã ba đường Hoàng Văn Thụ - Ngô Mây và điểm kết thúc giáp với đường Điện Biên Phủ (thuộc Khu Đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa).

Dự án triển khai thực hiện từ năm 2019, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, tuyến đường được xây dựng với chiều dài tuyến 1,377 km, bề rộng nền đường 33 m. Tuy nhiên, 4 năm qua hơn 1,3 km đường này vẫn chỉ là "con đường trong mơ".

Hơn 150 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng của dự án đều ở 2 phường Quang Trung và Ngô Mây. Nhà của những hộ dân này đã được xây dựng lâu năm và xuống cấp, có rất ít hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), việc xây mới, sửa chữa gặp nhiều khó khăn.

Con đường được giải toả, liên kết giữa 2 phường Quang Trung và Ngô Mây.

Ngôi nhà 70 m2 có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị Hà Thị Thanh Vân ở tổ 6B, khu vực 1 (phường Quang Trung) bị ảnh hưởng bởi Dự án đường Ngô Mây nối dài và thuộc diện giải tỏa.

Năm 2019, khi có chủ trương làm đường Ngô Mây nối dài, chị rất ủng hộ và mong sớm được di dời tái định cư. Năm ngoái, gia đình chị đã nhận tiền đền bù hơn 1,3 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn phải sống trong căn nhà xuống cấp, mòn mỏi chờ được về khu tái định cư.

Lúc tôi nhận tiền đền bù thì thông báo trong vòng 1 năm sẽ chuyển khu mới, nhưng sau đó lại kéo dài không biết thời gian nào. Gia đình tôi thấy mông lung quá”, chị Vân nói.

Cũng theo chị Vân, phường Ngô Mây có 7 hộ có CNQSDĐ năm trong danh sách đền bù, hiện có 6 hộ đã nhận tiền, hộ nào cũng trông chờ sớm được chuyển về khu tái định cư mới. 

Người chưa chấp nhận giá đền bù: Thấp thỏm sống trong căn nhà nứt toác

Theo người dân có đất nằm trong dự án, những hộ không có giấy CNQSDĐ, giấy tờ hợp pháp thì khi bồi thường không được theo giá đất ở, cũng không được cấp đất tái định cư. Số tiền đền bù không đủ cho họ tìm nơi an cư mới, do vậy có nhiều hộ không đồng ý với mức giá đền bù đưa ra.

Các hộ dân bị ảnh hưởng, đã được ngành chức năng đến đo đạc, kiểm kê hết rồi. Giờ chỉ công tác áp giá đền bù nhưng làm 3 năm nay chưa rục rịch gì hết. Nhà nứt, thấm dột nhưng không được sửa vì nằm trong dự án. Mấy năm nay chúng tôi sống trong thấp thỏm, sợ nhà xuống cấp gây nguy hiểm. Rất mong các cấp chính quyền sớm giải quyết dứt điểm việc đền bù, tái định cư để bà con ổn định cuộc sống”, anh Trần Văn Tuấn, có nhà nằm trong diện giải tỏa chia sẻ.

Ngôi nhà hơn 50 m2 của gia đình ông Dũng đã bị thấm, dột và nứt tường.

Ngôi nhà 48 m2 chưa có giấy CNQSDĐ của ông Võ Ngọc An (60 tuổi) ở khu vực 12, phường Ngô Mây cũng bị nằm trong diện giải tỏa trắng. Gia đình ông có 3 nhân khẩu sống trong ngôi nhà đã xuống cấp gần 30 năm nay. Mới đây gia đình nhận được thông báo giá hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên giá hỗ trợ thấp khiến gia đình ông không thể mua được mảnh đất nhỏ để định cư.

Bà con nơi đây luôn đồng tình di dời theo chủ trương của nhà nước, tuy nhiên với mức tiền hỗ trợ không thể mua được mảnh đất nhỏ để cất nhà mới thì gia đình chúng tôi biết đi đâu được”, ông An chia sẻ.

Ông An còn cho biết thêm, các hộ dân trong khu vực mấy chục năm qua không có giấy CNQSDĐ nhưng đến năm 2013 nhà nước đã cho bà con làm sổ đỏ theo diện hợp thức hóa.

Ông Võ Ngọc Dũng (50 tuổi) trú tại tổ 1B khu vực 12, phường Ngô Mây cũng bị ảnh hưởng bởi dự án. Gia đình ông Dũng làm nghề sửa xe máy, sống trong căn nhà đã bị xuống cấp trầm trọng. Căn nhà không có chứng nhận quyền sử dụng đất và đang chờ theo hướng hỗ trợ. Lực lượng chức năng đã đến đo đạc, nhưng gia đình ông chờ mãi chưa thấy thông báo nhận tiền.

Nhiều căn nhà trong khu vực xuống cấp trầm trọng.

Phải sống trong căn nhà xuống cấp, mái nhà và tường nhà bị dột và thấm mà không thể sửa chữa khiến chúng tôi lo lắng, nhưng điều làm chúng tôi mất ăn mất ngủ là di dời khỏi đây giờ cũng không biết sống ở đâu”, ông Dũng cho biết

"Vướng" ở đâu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Mây nối dài với tổng mức đầu tư 396 tỷ đồng đi qua hai phường Ngô Mây và Quang Trung, TP Quy Nhơn.

Ban đầu, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được giao Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định thực hiện. Đến tháng 2/2022, UBND tỉnh Bình Định giao UBND TP Quy Nhơn thực hiện và làm chủ đầu tư khu tái định cư phục vụ dự án đường Ngô Mây nối dài.

Các hộ dân trong diện giải toả bởi dự án tuyến đường Ngô Mây nối dài đi qua.

Lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn thông tin, dự án đường Ngô Mây nối dài ảnh hưởng tới 196 hộ gia đình và 2 tổ chức. Hiện nay, công tác xác minh nguồn gốc đất đã hoàn thành. UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 6 đợt gồm 58 hộ với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Thành phố đang triển khai dự án khu tái định cư tại phường Quang Trung với diện tích hơn 4 ha để bố trí cho các hộ dân.

Ngoài ra, thành phố cũng đang phấn đấu thực hiện giải tỏa 20 hộ dân và lập dự án đầu tư dự án khu tái định cư. Phấn đấu sang năm hoàn thành khu tái định cư, lúc đó mới xem xét bố trí các hộ được xét tái định cư đối với đường Ngô Mây nối dài ở phường Ngô Mây và Quang Trung.

Bà Hồ Thị Kim Ngọc - Chủ tịch UBND phường Ngô Mây - cho biết, những hộ dân này nhà đã xây dựng lâu năm, xuống cấp nhưng đa phần không có giấy CNQSDĐ, phường cũng tạo điều kiện cho những hộ nhà xuống cấp, dột nát sửa chữa đơn giản, nâng tường, thay mái để đảm bảo ổn định.

Đối với những hộ trong vùng dự án, phường kiến nghị tỉnh nên có chính sách riêng để tạo điều kiện cho người dân, khi giải phóng mặt bằng (GPMB) người dân có chỗ ở khác, chứ còn nếu giải toả mà không có chỗ ở rất khó cho những hộ này. Hoặc là, khi bố trí tái định cư, xem xét nếu họ không có chỗ ở nào khác thì nên cho họ được mua một lô đất để có chỗ ở ổn định”, bà Ngọc chia sẻ.

Dự án đường Ngô Mây nối dài vẫn còn đang án binh bất động.

Tháng 6/2020, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định đã lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng công trình. Đến nay, thời gian thực hiện hợp đồng thi công gói thầu dự án đường Ngô Mây nối dài đã hết nhưng nhà thầu chưa thể triển khai do vướng mặt bằng.

Theo ông Lưu Nhất Phong - Giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định, thì việc thi công tuyến đường này gặp trở ngại và phụ thuộc rất lớn vào khâu giải phóng mặt bằng.

Dự án đường Ngô Mây nối dài được UBND tỉnh giao cho UBND TP Quy Nhơn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của dự án này là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đề nghị thành phố tập trung vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm giao trả, tổ chức triển khai thi công, xây dựng”, ông Lưu Nhất Phong kiến nghị.

Nguyễn Gia

Tin mới