Reuters đưa tin, hôm 6/2, hàng nghìn người đã xuống đường ở thành phố Yangon để phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, yêu cầu trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi các lãnh đạo chính phủ khác. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra trong nước kể từ sau cuộc đảo chính, phe quân đội lên nắm quyền ở Myanmar.
Người biểu tình mặc áo màu đỏ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), một số mang theo cờ đỏ và giơ cao các biểu ngữ, băng rôn với dòng chữ “phản đối chế độ độc tài quân sự”. Đồng thời, dòng người biểu tình cũng hô vang “độc tài quân sự, thất bại, thất bại; dân chủ, chiến thắng, chiến thắng”.
Người biểu tình xuống đường ở thành phố Yangon, phản đối đảo chính quân sự. (Ảnh: Twitter)
Chính quyền Myanmar cố gắng ngăn sự phản kháng của người dân Myanmar bằng cách không cho họ tiếp cận với các trang mạng xã hội, trong đó có Facebook, Twitter và Instagram. Các nhà chức trách đã ra lệnh cho các nhà cung cấp internet từ chối quyền truy cập vào các nền tảng xã hội này “cho đến khi có thông báo mới”.
Quyết định của chính quyền quân sự Myanmar được đưa ra trong bối cảnh làn sóng phản đối cuộc đảo chính ngày càng gia tăng ở trong nước cũng như từ dư luận, cộng đồng quốc tế.
Nhu cầu về internet đã tăng vọt ở Myanmar kể từ sau chính biến hôm 1/2. Một người dùng Twitter viết: “Chúng tôi đã mất tự do, công lý và rất cần dân chủ. Hãy nghe tiếng nói của Myanmar”.
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc đảo chính. Luật sư của Suu Kyi và Tổng thống bị lật đổ Win Myint cho biết, họ đang bị giam giữ tại nhà riêng và ông không thể gặp vì họ vẫn đang bị thẩm vấn.Bà Suu Kyi phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp 6 máy bộ đàm, trong khi Win Myint bị cáo buộc vi phạm các quy định về hạn chế COVID-19.
Cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền. Những người này bị bắt với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Trước diễn biến tình hình ở Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại, kêu gọi chính quyền quân đội thả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người bị bắt giữ. Hội đồng Bảo an nhấn mạnh sự cần thiết duy trì các thể chế và tiến trình dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền ở Myanmar.