Phát biểu kết luận Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ.
Về tài chính - ngân sách và đầu tư công, Bí thư Hà Nội yêu cầu, trong chỉ đạo, điều hành ngân sách năm 2024 cần phát huy kết quả và ưu điểm của năm 2023; có quan điểm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững; tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách.
Ông đề nghị cần có biện pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng ngân sách, đặc biệt các khoản nợ thuế, nghĩa vụ tài chính về đất, các khoản liên quan đến đất để tạo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chung theo đúng quy định của pháp luật.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: VGP/GH)
Về chi ngân sách năm 2024, theo Bí thư Hà Nội, cần quán triệt quan điểm tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư, phát triển, sử dụng vốn vay tiết kiệm, hiệu quả, trong đó, tập trung cho các ưu tiên chiến lược; xây dựng hạ tầng khung, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí thành phố hiện đại, thành phố thông minh.
Để đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024 có tính khả thi, hiệu quả và khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong khâu tổ chức thực hiện, Bí thư Hà Nội cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước.
Bí thư Hà Nội quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư để tập trung quyết liệt triển khai công tác đầu tư và giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2024.
Ông cũng yêu cầu quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội để thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024).
Trong đó tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP bình quân đầu người khoảng 160-162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn khoảng 10,5-11,5%.
Đồng thời, hoàn thành, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; tiếp tục hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch phân khu còn lại, đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng.
Về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND thành phố tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu dự họp để cập nhật, bổ sung trong quá trình lập đồ án, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của đồ án.