Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
Quan tâm đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc thực hiện giải ngân đầu tư công, trong đó có nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm.
Đánh giá cao việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng qua giám sát, có thực trạng là hiện nay, một số vấn đề, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa cán bộ thi hành với người giám sát.
Đại biểu Hạ lấy ví dụ, đối với việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc.
Đại biểu đánh giá, việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.
Vì thế, đại biểu nhấn mạnh cần rà soát, nghiên cứu, đảm bảo thống nhất cách hiểu các văn bản pháp luật, đồng thời, trong công tác xây dựng pháp luật, cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhất quán.
Đại biểu Tạ Văn Hạ. (Ảnh: quochoi.vn).
Liên quan đến vốn đầu tư công, mới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm.
Qua 3 năm (2021 - 2023), dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng vẫn còn 7% kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao do các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, giao vốn chậm. Một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến các địa phương phải chờ hướng dẫn, lúng túng trong triển khai thực hiện.
Vướng mắc, tồn tại này cũng được nhiều đại biểu chỉ ra khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua.
Điều đáng nói, tình trạng cũ lại vẫn tiếp diễn, đó là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện và giao nhiều lần trong năm 2021, 2022 dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao.
Công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn được nhận định là một khâu yếu, chưa được giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án không thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư công.
Chính điều này dẫn đến “vốn chờ dự án đủ thủ tục” tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng lớn tới tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện.
Xảy ra tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục" có nguyên nhân từ việc chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, dự án chưa thực sự cấp thiết.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết.
Việc chất lượng chuẩn bị dự án thấp dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực.
Nhiều nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. (Ảnh minh họa)
Kiến nghị đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ
Ngoài vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thì những chính sách phát triển kinh tế trong giai đoạn khó khăn cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ ngành và địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp như sau: Trước tiên, về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù.
Chính sách thuế đối với doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu. Hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.
Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói ứng tín dụng ưu đãi.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về Thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn, trong đó điện là loại năng lượng quan trọng không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng.
Chính phủ, Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu xây dựng kế hoạch nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phúc hội và sự phục hồi của nền kinh tế.
Cụ thể, giải pháp kích cầu thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập doanh nghiệp tăng cho vay tiêu dùng đồng thời giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.
Về giải pháp kích cầu đầu tư, thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của nhà đầu tư, nhà thi công xây lắp.