Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí thư Hà Nội: Phải nghiêm khắc xử lý cán bộ yếu kém, trì trệ

(VTC News) -

Theo ông Đinh Tiến Dũng, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bên cạnh động viên kịp thời gương điển hình tiêu biểu, phải nghiêm khắc xử lý trường hợp yếu kém, trì trệ.

Sáng 18/11, kết luận hội nghị cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm, bao phủ là phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” nhằm siết chặt hơn nữa kỷ cương hành chính để thúc đẩy quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, các dự án trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bên cạnh động viên kịp thời những gương điển hình tiêu biểu, phải nghiêm khắc xử lý những trường hợp yếu kém, trì trệ. Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có kế hoạch, giải pháp đánh giá cán bộ để thực hiện việc này.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, vừa qua, thành phố đã đi sâu cải cách thủ tục hành chính ở Văn phòng UBND thành phố, tới đây phải tập trung, đi sâu tháo gỡ về thủ tục hành chính ở các sở, ngành như: kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, quy hoạch và kiến trúc; có biện pháp công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp giám sát.

“Vừa qua, thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, nhưng cũng mới chỉ là bước đầu và tới đây còn phải làm mạnh hơn nữa. Tôi đề nghị trước hết phân cấp, ủy quyền phải thực chất. Các cơ quan thực hiện phải quy trình hóa, cụ thể, rõ trách nhiệm để tránh đùn đẩy, né tránh; phải gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật ngân sách”, Bí thư Hà Nội nêu rõ. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tiền đề quan trọng để Thủ đô đạt được những kết quả tích cực là thành phố đã chủ động thực hiện, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nổi bật là thực hiện nhuần nhuyễn nhiệm vụ thích ứng an toàn, thiết lập trạng thái bình thường mới, mở cửa hoàn toàn để phục hồi, phát triển kinh tế từ giữa tháng 3/2022.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền sâu sát, phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở, từ trong Đảng, chính quyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, kết quả thành phố đạt được năm 2022 không chỉ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mà đặc biệt còn hoàn thành những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, xây dựng cơ sở định hướng chiến lược, lâu dài cho Thủ đô phát triển như: Báo cáo, đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; quyết định đầu tư mạnh vào 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền...

Lưu ý bối cảnh, tình hình và dự báo những khó khăn, thách thức to lớn đặt ra đối với thành phố trong năm 2023, khả năng còn khó hơn năm 2022, Bí thư Đinh Tiến Dũng chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn thiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm tới theo hướng tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” nhằm tăng cường, siết chặt kỷ cương hành chính, huy động sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, các dự án trọng tâm, trọng điểm; những vấn đề còn tồn tại, những nhu cầu bức thiết mà đời sống nhân dân đang đặt ra như: cung cấp nước sạch sinh hoạt, xử lý rác thải, nước thải...

Kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8%

Tại hội nghị, Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình bày dự thảo các báo cáo, kế hoạch, tờ trình, đề án gồm: Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2023-2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của thành phố; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng nghe báo cáo Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách thành phố giai đoạn 2023-2025; Đề án quản lý, sử dụng tài sản công thành phố Hà Nội.

Đây là các nội dung sẽ được trình xin ý kiến tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, dự kiến diễn ra trong tuần tới; là căn cứ quan trọng để HĐND thành phố xem xét, thông qua làm nghị quyết triển khai thực hiện năm 2023 và các năm tiếp theo.

Đáng chú ý, theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, năm 2022, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao, dự kiến tăng 6,8% so với dự toán.

Minh Tuệ

Tin mới