Chiều 4/12, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Bùi Thị Minh Hoài lưu ý những vấn đề trọng tâm yêu cầu các cấp, ngành tập trung cụ thể hóa và chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới.
Một trong những nội dung quan trọng là khắc phục triệt để, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong đảm bảo môi trường nước thải, xử lý rác thải, nước thải, chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, các hoạt động có phát sinh khí thải; cấp, thoát nước, chống úng ngập; vận hành các nhà máy điện rác; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông để xây dựng Thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại; kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông.
Đặc biệt về sông Tô Lịch, bà Hoài cho biết phải xử lý sớm, đồng bộ và có hiệu quả, bảo đảm các dòng sông trong nội đô “sạch - sáng”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu bế mạc và kết luận hội nghị. (Ảnh: Viết Thành).
Bà Bùi Thị Minh Hoài cho hay, mới đây bà cùng với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra hiện trạng dòng sông Tô Lịch. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Sở Xây dựng, bà Hoài cho rằng các đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc tìm cách khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng sông này.
"Làm sao đến ngày 2/9/2025, dòng sông Tô Lịch giữa lòng Thủ đô trở thành dòng sông thơ mộng, không còn màu đen", Bí thư Hà Nội kỳ vọng.
Đề cập tới tình trạng rác thải gây ô nhiễm sông Tô Lịch hiện nay, bà Hoài lưu ý, khi nước sông không còn ô nhiễm nữa mà vẫn còn rác thải là rất mất công.
Theo Bí thư Hà Nội, nếu các cấp ngành của thành phố cùng vào cuộc thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng rác thải ở sông Tô Lịch. Thành phố đã có kinh nghiệm dọn dẹp cây đổ, rác thải sau cơn bão Yagi (bão số 3), chỉ vài ngày là sạch sẽ.
"Lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn dọc sông Tô Lịch chảy qua cần triển khai ngay việc thu gom rác thải, nhằm góp phần tạo cảnh quan sạch sẽ cho thành phố", bà Hoài yêu cầu.
Liên quan đến vấn đề làm sạch sông Tô Lịch, theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các ban ngành, quận huyện liên quan khảo sát vị trí hệ thống bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đưa ra giải pháp khoan kích ngầm qua đê để làm đường ống dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây. Tuy nhiên, ông Phong cho hay, Bộ NN&PTNT không đồng ý với phương án này.
"Qua trao đổi, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề nghị đầu tư tuyến cống hộp bê tông cốt thép đoạn cắt qua đê sông Hồng để đặt đường ống dẫn nước. Thứ 5 tuần này, các sở ngành của thành phố sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai để đưa ra giải pháp kỹ thuật tốt nhất, nhanh nhất", ông Phong nói.