Các bác sĩ khoa Ngoại Nhi tổng hợp phối hợp với khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật thành công cho bé gái 23 ngày tuổi bị thoát vị hoành trái nghẹt kèm theo viêm phổi nặng do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Bé N.T. T (Việt Trì, Phú Thọ) chào đời ngày 22/10/2021. Sau sinh trẻ khóc to, bú tốt, không phát hiện bất thường, cân nặng đạt 2,1kg. Được 23 ngày tuổi, trẻ xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở nên được gia đình đưa đi khám.
Thời điểm vào viện, trẻ khó thở nhiều, rút lõm toàn bộ các cơ hô hấp, môi tím, SpO2 đo được chỉ còn 82%, ngay lập tức trẻ được các bác sĩ khoa Sơ sinh cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy, làm các xét nghiệm cấp cứu và tiến hành hội chẩn ngay với các bác sĩ chuyên khoa Ngoại nhi.
Sau phẫu thuật, trẻ được chăm sóc, điều trị tích cực tại khoa Sơ sinh
Trên phim chụp XQ của bệnh nhi cho thấy hình ảnh thoát vị hoành trái, các tạng thoát vị chiếm toàn bộ khoang màng phổi, không còn nhìn thấy hình ảnh nhu mô phổi trái, tim và trung thất bị đẩy lệch sang phải chèn ép một phần nhu mô phổi phải, đồng thời xét nghiệm RSV cho kết quả dương tính. Trẻ được chẩn đoán thoát vị hoành trái nghẹt, suy hô hấp viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp.
Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp sau khi nhập viện chỉ khoảng khoảng 30 phút, khi huyết động và hô hấp của bé đã ổn định hơn.
ThS. BS Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại Nhi tổng hợp cho biết, đây là trường hợp thoát vị cơ hoành điển hình và rất nguy hiểm. Khi các phẫu thuật viên vào ổ bụng thấy gần như toàn bộ ruột non, manh tràng, đại tràng phải và một phần đại tràng ngang thoát vị lên khoang màng phổi trái qua lỗ thoát vị cơ hoành sau bên, kích thước lỗ thoát vị khoảng 3,5 x 1,2 cm.
Quá trình phẫu thuật đưa ruột bệnh nhi trở lại ổ bụng tương đối khó khăn do các quai ruột bị nghẹt, phù nề, giảm tưới máu. Sau khi khâu phục hồi kín cơ hoành trái, kiểm tra toàn bộ ruột non phát hiện thêm tình trạng ruột xoay không hoàn toàn, các bác sĩ đã cắt các dây chằng tải rộng mạc treo ruột, cắt ruột thừa, đưa ruột non về bên phải ổ bụng, manh tràng và đại tràng về bên trái ổ bụng theo chiều nhu động để tránh các biến chứng xoắn ruột của tình trạng bệnh lý này.
Sau khoảng 1 giờ 30 phút, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhi được chuyển về theo dõi và điều trị tiếp tại đơn vị Hồi sức Sơ sinh.
Tại khoa Sơ sinh, trẻ được thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp sử dụng các loại thuốc kháng sinh, vận mạch, an thần, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi (longline).
6h sau phẫu thuật, khi chụp XQ lại để kiểm tra, hình ảnh trên phim chụp cho thấy toàn bộ khối thoát vị đã nằm trong ổ bụng tuy nhiên trẻ lại xuất hiện hình ảnh tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phổi nặng 2 bên. Do đó, chiến lược thở máy của bệnh nhi được thay đổi, chuyển sang thở máy cao tần (HFO).
Theo BSCKI. Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Nhi Sơ sinh, do bệnh nhi có tình trạng thoát vị hoành kèm theo viêm phổi nặng nên chiến lược thở máy của trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Áp lực thở máy không được quá lớn để tránh gây tổn thương cơ hoành, tăng áp lực ổ bụng gây giảm tưới máu các quai ruột vừa được đưa xuống ổ bụng, nhưng cũng không được quá thấp để tránh làm tổn thương phổi do viêm nặng hơn mà không cải thiện. Đồng thời, sau phẫu thuật, trẻ còn có tình trạng viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, tăng tiết đờm dãi nên cũng khiến cho việc chăm sóc vật lý trị liệu để điều trị viêm phổi như vỗ rung ép đờm gặp nhiều khó khăn.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng tràn dịch, tràn khí màng phổi đã hết nhưng bệnh nhi vẫn còn tình trạng viêm phổi nặng. Tuy nhiên bệnh lý ngoại khoa ổ bụng của bé đã có những tiến triển tốt, dịch dạ dày trong hơn. Sang ngày điều trị thứ 5, bệnh nhi được rút ống nội khí quản, thở oxy hỗ trợ, tình trạng viêm phổi giảm đáng kể, bé đã có thể tự đi ngoài được. Hiện tại, sức khỏe bé ổn định và có kế hoạch xuất viện trong vài ngày tới.