Theo Acient Origins, nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều trường đại học ở Tây Ban Nha và Anh đã cố lý giải sự tuyệt chủng của người Neanderthals ở châu Âu vào khoảng 40.000 năm trước.
Neanderthals là một loài người cổ đại, cùng thuộc chi Homo với Homo sapiens chúng ta, được cho là có trí thông minh không mấy thua sút với loài được mệnh danh là "người tinh khôn" chúng ta. Họ có một thể hình rắn chắc, sức khỏe cực tốt, kỹ năng săn bắt cực kỳ tài tình, biết dệt sợi, làm trang sức có khi còn trước cả tổ tiên chúng ta.
Thế nhưng, những chú thỏ tinh ranh có thể đã đánh bại họ.
Loài người cổ Neanderthals là những thợ săn thiện chiến nhưng rất tiếc là kém khả năng thích nghi. (Ảnh: Bảo tàng Neanderthals)
Từ 160.000 đến 40.000 năm trước, người Neanderthals thuộc nền văn hóa Mousterian sống trên bán đảo Iberia, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và miền Nam nước Pháp ngày nay.
Họ ăn thịt rất nhiều và đã tìm được ở nơi đây nguồn cung dồi dào từ các quái thú to lớn thời tiền sử, trong đó phổ biến nhất là voi và tê giác khổng lồ. Tuy nhiên vào giai đoạn sau của thời kỳ đó, quần thể động vật lớn ở Iberia suy giảm đáng kể do thay đổi khí hậu và việc săn bắt quá mức, khi tổ tiên Homo sapiens của chúng ta cũng bắt đầu di cư đến Iberia.
Như vậy, những thợ săn Neanderthals buộc phải tìm nguồn cung cấp thịt khác, theo bài công bố trên Journal of Human Evolution. Với Iberia, thỏ trở thành nguồn cung hữu ích nhất. Tổ tiên Homo sapiens của chúng ta đã sớm thích nghi với điều đó, cũng như linh hoạt trong việc tìm các thức ăn khác từ cá hay thực vật. Vì Homo sapiens luôn có khả năng thích nghi vượt trội.
Tuy nhiên các công cụ và tàn tích xương động vật còn lại cho thấy người Neanderthals săn được rất ít thỏ, mà nguyên nhân chủ yếu là do các công cụ chuyên dùng để dành săn các động vật lớn của họ không phù hợp. Quần thể Neanderthals có dấu hiệu giảm dần rồi biến mất, mà sự lấn át của tổ tiên Homo sapiens chúng ta có thể góp phần.
"Con người hiện đại (Homo sapiens) có nhiều công nghệ hơn để bắt những con mồi nhỏ di chuyển nhanh như lưới hoặc bẫy" - giáo sư Cổ sinh vật học tiến hóa John Stewart của Đại học Bornemouth giải thích.
Điều này cũng đưa đến một chi tiết thú vị: dù chia sẻ về dòng máu qua các cuộc hôn nhân dị chủng, nhưng người Homo sapiens và Neanderthals vẫn là các cộng đồng riêng biệt, không chia sẻ với nhau các công nghệ.