Một phần từ trường Trái Đất ở giữa châu Phi và Nam Mỹ đang yếu đi, tạo ra Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương (SAA).
SAA không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào tới con người, nhưng nó gây ra rủi ro với các vệ tinh và các tàu vụ trụ. Đây là lý do vì sao NASA muốn tìm hiểu chính xác điều gì đang xảy ra.
Theo đó, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ vừa mới trình bày chi tiết mọi thứ con người biết từ trước tới nay về hiện tượng kỳ lạ này.
Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương (SAA) đang mở rộng về kích thước. (Ảnh: NASA)
Được mô tả như một 'vết lõm' trong từ trường Trái đất, hoặc một loại 'ổ gà" trong không gian, SAA có thể gây nhiễu đối với các tàu vũ trụ, bao gồm cả Trạm Vũ trụ Quốc tế và các vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất thấp đi trực tiếp qua nó.
Các hệ thống trên tàu có thể trục trặc và đoản mạch nếu bị các proton năng lượng cao phát ra từ Mặt trời tấn công. Những trục trặc này có thể xóa rất nhiều dữ liệu hoặc làm hỏng các thành phần quan trọng.
Theo NASA, như nhiều người người dự đoán, nguyên nhân dẫn tới SAA có khả năng là do lõi sắt nóng chảy của Trái đất tương tác với các cấu trúc tự nhiên rộng lớn khác bên dưới chân chúng ta và ảnh hưởng từ độ nghiêng trục quay của Trái đất.
“Từ trường thực sự là sự chồng chất của các luồng điện phát ra từ nhiều nguồn", nhà địa vật lý Terry Sabaka từ Trung tâm Du hành Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland (Mỹ) cho hay.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục theo dõi SAA, khi nó trôi dạt về phía Tây Bắc và tách làm đôi, mỗi phần có một tâm riêng biệt về cường độ từ trường tối thiểu.
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 7 cho thấy, SAA là một hiện tượng bắt đầu gây ảnh hưởng lên Trái Đất từ cách đây 11 triệu năm.