Vùng đất Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) trong ký ức của các cụ già là nơi hoang vu, rừng rậm bao phủ, tiếng hổ gầm gừ những đêm trăng vang vọng cả núi rừng. Nơi đây có ngôi đền Trầm Lâm và cái giếng cổ nổi tiếng. Người dân xã Phú Gia lưu truyền nhiều huyền tích về báu vật vua Hàm Nghi ban tặng và những bí ẩn ở ngôi đền Trầm Lâm.
Một ngày cuối năm, chúng tôi may mắn được gặp cụ Trần Văn Nhung (99 tuổi), thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia - người hiện đang đảm đương chức vụ cố đạo chủ, trông coi bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng.
Được lãnh đạo xã giới thiệu về những vị khách, cụ Nhung gật đầu rồi chầm chậm khoác lên mình tấm áo lễ màu đỏ, từ từ bước vào căn nhà gỗ, thắp 3 nén hương. Sau khi “báo cáo” lên Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm, cụ Nhung bảo những người có mặt, mỗi người cầm một nén nhang chờ cụ gieo “quẻ âm dương” bằng 2 đồng tiền cổ. Cụ Nhung gieo được một sấp, một ngửa với hàm ý chúng tôi được phép mở xem những bảo vật vua ban.
Cụ Trần Văn Nhung thực hiện nghi lễ gieo “quẻ âm dương”.(Ảnh: Trọng Tùng)
Câu chuyện ly kỳ nhất của đền Trầm Lâm có lẽ là chuyện tiên nữ báo mộng, cứu vua Hàm Nghi thoát chết khi ông lánh nạn tại đây. Theo sử sách ghi lại, năm 1885, kinh thành Huế thất thủ. Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi (lúc ấy mới 14 tuổi) chạy ra vùng núi phía Bắc lánh nạn. Khi đến rừng núi Phú Gia, vua Hàm Nghi dừng chân lập căn cứ địa và ban hịch Cần Vương lần 2, kêu gọi nhân dân chống giặc Pháp.
“Một đêm không trăng, trời thanh tịnh, khi vua đang yên giấc thì mơ gặp một tiên nữ đẹp tuyệt trần, mặc trang phục màu xanh, cưỡi mây đến trước mặt nhà vua và nói: “Bọn bạch quỷ đang đưa quân vây ráp. Nhà vua cần phải định liệu".
Khi bừng tỉnh, vua lập tức triệu quần thần cùng bô lão trong vùng hỏi chuyện và được biết, ngài vừa gặp Thánh Mẫu đền Trầm Lâm. Sau đó, nhà vua liền làm lễ tạ ơn và sắc phong cho các vị thần được thờ ở đền”, cụ Nhung kể.
Ngôi đền Trầm Lâm.(Ảnh: Trọng Tùng)
Cũng trong đêm đó, nhà vua trao tặng dân làng Phú Gia những vật phẩm quý giá, gồm 2 con voi bằng vàng (một con 27 chỉ, một con 17 chỉ), 1 con voi bằng đồng, 2 thanh bảo kiếm và nhiều báu vật khác để cảm ơn công lao phò vua.
“Voi bằng đồng được đúc theo tư thế đang lâm chiến, vòi dài uốn cong vào tai phải, ngà cụt. Còn 2 voi vàng tạc theo tư thế đứng nhàn nhã, vòi buông thẳng, ngà nhọn, mắt tròn, có nịt cổ và mang ngai vàng trên lưng. Trao xong, vua cùng quần thần lập tức lên ngựa đi ngay vào tỉnh Quảng Bình. Đến rạng sáng, khi vua vừa đi khỏi thì giặc Pháp đã kéo tới lùng sục”, cụ Nhung nói.
Video: Chiêm ngưỡng báu vật của vua Hàm Nghi ban cho ngôi làng ở Hà Tĩnh
Sau khi nhà vua rời đi, tin đồn về những báu vật khiến không ít kẻ xấu luôn tìm cách tiếp cận để đánh cắp. Tuy nhiên, những kẻ này đều có kết cục bi thảm.
Cụ Nhung mở hộp bằng kim loại, lấy ra con voi vàng có nịt cổ, mang ngai vàng trên lưng và tiếp tục kể chuyện vào năm 1936, con voi vàng này đã bị Lê Yêm, con trai của cổ đạo chủ Lê Triết trộm, mang sang Lào bán lấy tiền.
Những vật phẩm quý giá được Vua Hàm Nghi ban tặng cho dân làng Phú Gia.(Ảnh: Trọng Tùng)
“Trên đường về gần đến làng, Lê Yêm bị một con trâu đực lớn từ đâu chạy tới húc mạnh vào bụng, sau đó giày xéo nên chết ngay tại chỗ. Đồng bọn với Lê Yêm còn có một người tên là Lưu Duyên cũng bỗng dưng phát bệnh điên dại, thường xuyên nói những chuyện ma mị không ai hiểu.
Để gia đình tránh gặp quả báo, cụ Lê Triết cùng người thân phải lặn lội sang Lào tìm và chuộc lại con voi vàng bị mất. Người Lào biết chuyện cũng trả lại voi vàng cho người dân Phú Gia”, cụ Nhung trầm ngâm.
Chính vì thế, những báu vật này mỗi năm chỉ xuất hiện một lần vào ngày lễ rước sắc phong của vua Hàm Nghi. Người dân Phú Gia quan niệm, năm nào cố đạo chủ canh giữ, bảo vệ tốt báu vật vua ban thì năm đó dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no và gặp nhiều điều may mắn.
Ông Trần Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia - cho biết, hiện nay việc bảo vệ, cất giữ những báu vật vua ban rất cẩn trọng và nghiêm ngặt. Địa phương giao báu vật cho cố đạo chủ cất giữ, nhưng chìa khóa thì lãnh đạo UBND xã giữ.
Báu vật Vua ban được dân làng Phú Gia bảo vệ nghiêm ngặt. (Ảnh: Trọng Tùng)
“Theo phong tục của dân làng, vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân và các cụ cao niên trong làng tổ chức lễ Hạ Keo xin thần linh chứng giám, chọn cố đạo chủ mới. Một nhiệm kỳ cố đạo chủ là 2 năm. Việc tuyển cố đạo chủ cũng rất khắt khe. Đó là người có đạo đức, liêm khiết, cẩn trọng, am hiểu tế tự, gia đình hòa thuận, được người dân tín nhiệm, phải sống thọ cả ông và bà.
Người được chọn phải xin “quẻ âm dương”. Nếu một đồng xu nằm ngửa, đồng xu còn lại nằm sấp trên đĩa thì người này chính thức trở thành cố đạo chủ”, ông Tuân cho hay.
Trải qua hơn một thế kỷ, đến nay, xã Phú Gia có hơn 50 vị cao niên được thần linh “ủy thác” trao chức cố đạo chủ.
Trầm Lâm có nghĩa là rừng chìm. Bên cạnh đền có một giếng nước lớn, xanh như ngọc bích, không bao giờ thấy đáy. Tương truyền, giếng nước này từng là nơi tiên nữ hạ phàm. Sau đó, người dân lập am nhỏ ngay cạnh, thờ Đức Thánh Mẫu.
Tương truyền, từ khi thờ các vị thần ở đền, người dân trong vùng có cuộc sống ấm no, ác thú trong rừng không còn xuất hiện quấy phá. Trải qua bao trận hạn hán, nhưng giếng nước đền Trầm Lâm không bao giờ cạn. Đã có người thử đo độ sâu của giếng, nhưng đều chết bất đắc kỳ tử, hoặc mất tích bí ẩn.
Cụ Nhung nhớ lại, thời kháng chiến chống Pháp, một tên giặc trú ở đồn gần đền Trầm Lâm thấy giếng to đẹp nên chèo thuyền ra giữa giếng ngắm cảnh. Nổi hứng muốn đo độ sâu của giếng, hắn buộc một cục đá vào đoạn dây dài hàng chục mét rồi thả xuống nước.
Thật lạ kỳ, thả xuống sâu bao nhiêu thì sợi dây vẫn căng, cục đá không hề chạm đáy. Ít lâu sau, tên giặc chết không rõ lý do. Từ đó, người dân cho rằng giếng nước này là giếng tiên, không có đáy.
Giếng nước tại đền Trầm Lâm. (Ảnh: Trọng Tùng)
Nhiều năm sau, có người đàn ông từ xa đến xã Phú Gia định cư và không tin những chuyện kỳ bí về giếng nước này. Ông ta cũng chèo thuyền ra giữa giếng nước rồi dùng dây để đo đạc, nhưng kết quả vẫn không thu được gì nên nhảy xuống tắm. Thời gian sau, ông ta bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần rồi đi vào rừng sâu không thấy quay lại.
Có một số giả thuyết cho rằng, giếng này có đáy thông với con sông Tiêm ở gần đó. Bằng chứng là có người khắc dấu lên quả bưởi và thả xuống giếng. Ít lâu sau, họ tìm thấy chính quả bưởi này trôi trên dòng sông Tiêm. Tuy nhiên, chuyện không đáy của giếng nước đền Trầm Lâm vẫn mãi chỉ là truyền thuyết.
Cùng với quần thể di tích Thành Sơn Phòng, đền Công Đồng, đền Trầm Lâm đã được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 2001.