Triển khai thực hiện các Nghị quyết về thực hiện bao phủ BHXH, BHYT toàn dân, ước tính đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 91% dân số toàn tỉnh (trong đó: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia BHYT là 82%, HSSV tham gia BHYT là 95%); tỷ lệ người lao động tham gia BHXH chiếm 14,83% LLLĐ trong độ tuổi; tham gia BH thất nghiệp chiếm 9,16% LLLĐ trong độ tuổi.
Những kết quả tích cực
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn biết, tích cực hưởng ứng, tham gia, đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện được hỗ trợ mức đóng BHYT theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đã có trên 196.100 người được hỗ trợ đóng BHYT theo Nghị quyết.
Toàn ngành nỗ lực triển khai Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ, phối hợp với các đơn vị liên quan, Ban Chỉ đạo cấp xã, UBND xã khẩn trương đôn đốc, rà soát danh sách, tránh bỏ sót đối tượng, đảm bảo sớm nhất quyền lợi của người dân ngay từ ngày đầu Nghị định có hiệu lực, riêng đối tượng học sinh, trong số trên 31.700 em thuộc diện hỗ trợ của Nghị định 75 thì có trên 27.700 em đã được cấp thẻ BHYT kịp thời.
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT.
Đến nay đã có trên 1,27 triệu số ĐDCN được đồng bộ với thẻ BHYT (chiếm 95% trên tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh); có 250 (chiếm 100%) cơ sở KCB thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 391.963 lượt tra cứu trong đó có 271.907 lượt thành công (chiếm 69,4% trên tổng lượt tra cứu). Tổ chức hướng dẫn, cài đặt VssID cho trên 185.900 người.
Đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với 52% người hưởng khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN với tỷ lệ đơn vị đăng ký giao dịch điện tử đạt 84,6% đơn vị.
Triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông gồm “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”, tính đến hết tháng 11/2023 đã tiếp nhận giải quyết 4.516 hồ sơ (trong đó: 4.493 hồ sơ đăng ký cấp thẻ BHYT trẻ em và 23 hồ sơ mai táng phí).
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai như tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị ngành nông lâm như cà phê, cao su, các đơn vị Sông Đà… dẫn đến số tiền chậm đóng cao. Mặt khác, các đơn vị ngành nông lâm như cà phê, cao su, mía đường, lao động mang tính thời vụ, biến động tăng, giảm liên tục ảnh đến phát triển người tham gia BHXH bắt buộc.
Việc rà soát dữ liệu thuế hiệu quả chưa cao, còn tồn tại sai thông tin người lao động giữa cơ quan BHXH quản lý và dữ liệu do cơ quan Thuế quản lý ảnh hưởng việc rà soát hàng năm; số đơn vị không phản hồi còn cao nên khó khăn trong việc đi trực tiếp đơn vị để xác minh đơn vị còn tồn tại hay đã bỏ đi nơi khác.
Công tác phối hợp lập danh sách và rà soát đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT của tổ chức dịch vụ với UBND các xã, phường còn nhiều khó khăn. Kỹ năng tuyên truyền, tư vấn và vận động người dân tham gia BHXH, BHYT của một số nhân viên thu thuộc Tổ chức dịch vụ còn hạn chế; chưa kịp thời cập nhật và nắm bắt các quy định mới của chính sách BHXH, BHYT cũng là những cản trở nhất định tới việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ người tham gia BHXH, BHYT của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc triển khai Dịch vụ công thiết yếu gặp nhiều khó khăn, người dân chưa quen với việc thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia để giao dịch, nên tỷ lệ giao dịch trên cổng Dịch vụ công chưa cao.
Tình trạng người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần có xu hướng tăng (trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 29,62% so với cùng kỳ năm trước, việc nhận BHXH một lần sẽ tác động đến nguồn thu nhập của người lao động khi về già, làm giảm ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội.
Tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ
Với nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT của tỉnh Gia Lai trong năm 2023, BHXH tỉnh xác định cần tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của tỉnh, huyện xây dựng chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; tham mưu giao chỉ tiêu thực hiện BHXH bắt buộc, tự nguyện BHYT hàng năm; kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp xã về thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT.
Nhiều khó khăn, vướng nắc trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang từng bước được tháo gỡ.
Tập trung rà soát cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, xuất danh sách hộ gia đình chưa tham gia BHYT chuyển đến Ban Chỉ đạo cấp xã và UBND xã, các tổ chức dịch vụ hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng; xác định tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn xã, thị trấn tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN chỉ đạo thực hiện.
Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tốt các quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ. Phối hợp với cơ quan quản lý đối tượng, tiếp tục rà soát số người thuộc diện được hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngân sách nhà nước và theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 để đảm bảo không để người dân không được hưởng các quyền lợi theo quy định, đặc biệt đối với người có hoàn cảnh khó khăn, người đồng bào DTTS...
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục rà soát, đánh giá công tác BHYT học sinh, sinh viên. Đặc biệt đánh giá tình hình hỗ trợ tham gia BHYT cho học sinh, sinh viên DTTS theo Nghị quyết 48/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Tích cực phối hợp với ngành Công an, Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); dịch vụ công trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”… tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về BHXH, BHTN, BHYT.
Phối hợp ngành Y tế triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID), ứng dụng VssID phục vụ người dân đi khám chữa bệnh BHYT.
Tăng cường công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong đó chú trọng truyền thông hạn chế nhận BHXH một lần của người lao động để đảm bảo an sinh lâu dài cho bản thân.
Tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức dịch vụ, kỳ vọng năm 2023 tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao.