Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh ăn gì?

(VTC News) -

Bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh ăn gì để tốt cho sức khỏe là vấn đề được khá nhiều người quan tâm.

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Tâm Anh chia sẻ nhóm thực phẩm không nên có mặt trong thực đơn của người bệnh viêm khớp dạng thấp:

Thịt đỏ và thịt đã chế biến

Nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, thịt dê…) và thịt đã qua chế biến (giăm bông, xúc xích, thịt xông khói…) làm tăng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Nguyên nhân, những loại thịt này thúc đẩy quá trình sản xuất interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và homocysteine – các dấu hiệu viêm trong cơ thể.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp. Ngược lại, chế độ ăn ít hoặc không có thịt đỏ được chứng minh là cải thiện các triệu chứng viêm khớp rõ rệt. 

Sản phẩm từ sữa

Chúng ta thường được khuyên uống (hoặc ăn) các sản phẩm từ sữa (như sữa tươi, sữa chua, phô mai…) để đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D cho cơ thể. 

Tuy nhiên sữa cũng góp phần làm tăng tình trạng viêm ở người bệnh viêm khớp dạng thấp. Đó là do chúng chứa chất béo bão hòa – tác nhân gây viêm. 

Nếu bạn vẫn muốn duy trì sữa trong thực đơn của mình, hãy chọn các sản phẩm sữa ít béo thay vì chọn loại nguyên kem.

Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến không tốt cho người viên khớp dạng thấp. (Ảnh minh hoạ)

Thực phẩm nhiều muối

Nạp quá nhiều muối không chỉ có hại cho huyết áp. Nếu bạn bị viên khớp dạng thấp và đang dùng thuốc steroid điều trị, các triệu chứng sẽ có xu hướng trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên đặt mục tiêu nạp ít hơn 5g muối mỗi ngày.

Thực phẩm nhiều đường

Ăn nhiều đồ ngọt không tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai bị viêm khớp dạng thấp.

Các nghiên cứu chứng minh nạp quá nhiều thực phẩm chứa đường sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng viên khớp dạng thấp, cũng như tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

Cụ thể, trong một nghiên cứu ở 1.209 người trưởng thành độ tuổi 20 - 30, những người uống đồ uống có đường fructose 5 lần mỗi tuần nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp gấp 3 lần so với những ai uống ít hoặc không sử dụng đồ uống có đường fructose.

Thực phẩm chứa gluten

Gluten là nhóm các protein có trong nhiều loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen và triticale (lai giữa lúa mì và lúa mạch đen). Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn không có hoặc có ít gluten giúp làm giảm triệu chứng viêm do viêm khớp dạng thấp.

Muốn hạn chế dung nạp gluten, người bệnh cần cân nhắc trước khi ăn bánh mì, bánh quy, pizza, nước ngọt, chất làm ngọt.

Nội tạng động vật không tốt cho người viêm khớp. (Ảnh minh hoạ)

Thực phẩm chế biến quá kỹ

Các món ăn được chế biến quá kỹ như thức ăn nhanh, ngũ cốc ăn sáng và bánh nướng thường chứa nhiều ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung, chất bảo quản cùng các thành phần có khả năng gây viêm khác. Tất cả đều làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm khớp.

Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn phổ biến của người phương Tây (giàu thực phẩm chế biến sẵn) là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viênm khớp dạng thấp do làm tăng tình trạng viêm và các yếu tố nguy cơ như thừa cân – béo phì.

Rượu

Vì rượu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp, cho nên, bất kỳ ai bị bệnh viên khớp dạng thấp cũng nên hạn chế hoặc tránh uống rượu. Nghiện rượu mạn tính còn có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị viêm xương khớp.

Ngoài ra, khi bạn đang uống thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mà uống rượu, sẽ gây hại cho các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, uống rượu khi đang dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen có thể gây chảy máu dạ dày, viêm loét dạ dày; uống rượu khi dùng acetaminophen, leflunomide (Arava) hoặc methotrexate gây hại cho gan.

Nội tạng động vật

Tim, gan, bao tử động vật chứa nhiều photpho, ăn nhiều sẽ khiến người bệnh cảm nhận rõ rệt các cơn đau khớp. Không chỉ vậy, họ còn bị tình trạng sưng to tại đầu gối và mắt cá chân, đi lại khó khăn vì đau nhức kéo dài.

Nguyễn Mai (tổng hợp)

Tin mới