Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), không phải món ăn nào cũng để được qua đêm. Thực phẩm bảo quản không đúng cách có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, mất dinh dưỡng.
Thức ăn để qua đêm thường không ngon bằng món nóng hổi, nấu ăn ngay. Chẳng hạn các món rau, canh, trứng không nên để qua đêm. Món rán, chiên khi quay nóng lại thường bị khô, không giòn và thơm. Cơm nguội hâm lại vẫn có thể ăn được nhưng không giữ được hương vị thơm ngon ban đầu.
Trữ thức ăn tối cho bữa trưa hôm sau có tốt là băn khoăn của nhiều người. (Ảnh minh hoạ)
Khi vào bếp, nhiều bà nội trợ có xu hướng làm nhiều rau hơn bình thường vì sợ cả nhà ăn thiếu. Kết quả là khi kết thúc bữa cơm, những món rau xào, canh rau hay rau luộc bị thừa. Nhiều người đem bảo quản tủ lạnh để ăn vào bữa khác như nhiều loại thức ăn thừa khác.
Tuy nhiên, các loại rau đã nấu chín không nên đem cất trong tủ lạnh để đun lại. Thứ nhất, rau đem đun lại sẽ rất nồng, ngoài mất chất dinh dưỡng, hương vị cũng kém phần ngon như khi mới nấu.
“Thói quen này không có lợi cho sức khỏe. Các món ăn khi đun nấu lại sẽ mất chất dinh dưỡng, nhiều thực phẩm còn dễ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn”, ông Thịnh nói.
Hiện không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn rau xanh hâm lại gây ung thư. Nitrit (hợp chất của Nito được hình thành trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ) vào dạ dày có thể phản ứng (dưới tác dụng của axit dạ dày) để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.
Tuy nhiên, phản ứng này cần phải có điều kiện mới xảy ra, bởi không phải thực phẩm nào cũng chứa nitrit. Hơn thế, ung thư do rất nhiều yếu tố tác động, không phải tiêu thụ đồ thừa để qua đêm là mắc bệnh.
Thức ăn thừa nói chung, rau xanh nói riêng nếu bảo quản không tốt, khi để qua đêm sẽ bị ôi thiu, ăn vào dễ ngộ độc. Dấu hiệu của bệnh là đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu.
Các loại rau đã chế biến chỉ có thể an toàn trong 3 tiếng, tốt nhất nên ăn rau xanh tối đa trong vòng 2-3 giờ sau khi nấu. Khi thừa rau tốt nhất bạn nên bỏ đi, không để qua đêm hoặc hâm nóng lại. Lúc chế biến cũng chỉ nên cho vừa đủ, tránh mua nhiều vì dễ dư thừa.
Theo chuyên gia, nếu không có thời gian nấu ăn vào sáng sớm và không muốn ăn ngoài, bạn có thể chế biến sẵn thực phẩm trước hoặc chỉ trữ món ăn mặn như cá kho, thịt kho. Các món rau, trứng có thể nấu vào buổi sáng hôm sau.
Thức ăn thừa nên được đựng trong hộp kín, có nắp đậy hoặc bọc kỹ bằng màng bọc để tránh gây mùi. Bạn nên sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý, vừa phải, mỗi loại một ngăn riêng biệt, không để lẫn thực phẩm chín và sống.
Khi lấy thức ăn từ tủ lạnh, bạn cần hâm nóng lại để bữa ăn ngon miệng và hấp dẫn hơn. Bạn nên giữ tủ lạnh luôn sạch để hạn chế vi khuẩn phát sinh.