Làm thế nào để ngăn chặn ngay các biểu hiện bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đau cổ vai gáy đang trở thành câu hỏi của nhiều người trẻ, đặc biệt là “dân văn phòng”.
Với sự thay đổi của lối sống thời hiện đại, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ không ngừng gia tăng, đặc biệt, những người làm việc bàn giấy rất dễ bị thoái hóa đốt sống cổ, gây đau nhức, tê cứng cổ, trường hợp nặng có thể đau mỏi cánh tay với triệu chứng tê bì chân tay.
Thậm chí có khi dẫn đến chóng mặt, yếu chân tay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc của người bệnh. Vì vậy, cần làm tốt công tác phòng bệnh lúc đang còn bình thường, trẻ khỏe, cố gắng giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
(Ảnh minh họa)
Làm sao để phòng tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ?
1. Tránh ngồi yên một chỗ trong thời gian dài
Theo các bác sĩ trên kênh Family Doctor, ngồi lâu là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, vì vậy dù đang làm việc hay học tập bận rộn đến đâu thì bạn cũng nên tránh ngồi lâu.
Ngồi máy tính lâu thì phải điều chỉnh độ cao của màn hình và chỗ ngồi sao cho bạn có thể nhìn thẳng hoặc hơi nghiêng nhẹ, tuyệt đối không nên để bản thân trong tình trạng cúi đầu quá lâu.
Hãy tranh thủ rời mắt khỏi màn hình và đứng dậy đi lại, đồng thời cử động cổ thường xuyên cứ nửa giờ một lần.
Nếu bạn bận rộn và có cường độ công việc cao, hãy xoa bóp cổ, nếu không nắm vững được kỹ thuật và độ nặng nhẹ trong dùng sức, bạn có thể tham vấn các nhà chuyên môn, bác sĩ ở các bệnh viện đông y chuyên nghiệp để học cách giữ cho tuần hoàn máu ở cổ không bị cản trở và các cơ ở cổ được thư giãn.
2. Chọn chiều cao của gối phù hợp
Đốt sống cổ cũng có đường cong sinh lý giống như cột sống lưng, chỉ cần duy trì được đường cong sinh lý của đốt sống cổ thì cơ và xương mới ở trạng thái thả lỏng và giảm tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Do đó, khi ngủ bạn nên chọn gối có chiều cao phù hợp, không quá thấp cũng không quá cao. Khi ngủ nghiêng, nên để rộng bằng một bên vai, có thể nâng đỡ cổ tốt và duy trì đường cong sinh lý của đốt sống cổ.
(Ảnh minh họa)
3. Giữ ấm cổ trong mọi hoàn cảnh
Muốn giảm khả năng thoái hóa đốt sống cổ thì bạn cũng phải giữ ấm vùng cổ. Không ngồi ở vị trí mà họng điều hòa thổi trực tiếp vào cổ hoặc dùng quạt điện thổi mạnh vào vùng cổ.
Đồng thời, bạn nên chú ý quàng khăn khi ra ngoài vào mùa đông.
Nếu cổ bị kích thích bởi lạnh lâu ngày sẽ khiến quá trình lưu thông máu bị tắc nghẽn, các cơ ở trạng thái căng thẳng, lâu dần sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Nếu bạn thực hiện tốt việc giữ ấm, quá trình lưu thông máu sẽ thông suốt hơn, các cơ bắp cũng hoạt động tốt hơn, thoải mái hơn thì khả năng thoái hóa đốt sống cổ tự nhiên sẽ giảm đi.
4. Duy trì các bài tập thể dục thích hợp
Vận động hợp lý cũng giúp ích rất nhiều cho việc phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Trong quá trình tập luyện, tuần hoàn máu toàn thân sẽ trơn tru hơn, các cơ bảo vệ xương chắc khỏe hơn giúp xương luôn ở trạng thái ổn định.
Riêng đốt sống cổ cũng không ngoại lệ, bạn rất nên thực hiện các động tác tập thể dục vừa phải, cường độ từ thấp đến cao, uyển chuyển, linh hoạt, tốt nhất là nên chọn các bài tập thể dục nhịp điệu ở cường độ trung bình. Tập thể dục, chẳng hạn như bơi lội, chạy hoặc Thái cực quyền sẽ rất tốt cho vùng xương đốt sống cổ.
(Ảnh minh họa)
Lời khuyên thêm:
Đốt sống cổ cũng có thể được luyện tập và bảo vệ tốt hơn thông qua một số động tác cụ thể như bài tập xoay cổ, nghiêng cổ, cúi ngửa cổ. Việc di chuyển cột sống cổ theo hướng trước, sau, trái, phải, mỗi động tác kéo dài từ 3 đến 5 giây, cứ 8 động tác tính là một cụm động tác, sau một thời gian thực hiện đều đặn, bạn sẽ cảm thấy tình trạng khó chịu ở cột sống cổ giảm đi rất nhiều.
Chăm sóc đốt sống cổ ngay từ khi còn trẻ là việc làm giống như sự đầu tư cho sức khỏe của bạn trong tương lai. Sở hữu một hệ xương cổ khỏe mạnh sẽ giúp bạn giảm được rất nhiều bệnh tật khi về già.