Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh nhân 1694 di chuyển phức tạp, khai báo quanh co

(VTC News) -

Tại phiên họp BCĐ chống dịch Hà Nội, đại diện Quận Nam Từ Liêm cho biết, bệnh nhân 1694 có lịch sử di chuyển phức tạp, lời khai quanh co gây khó khăn cho ngành Y tế.

Tối 3/2, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội, đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, đến nay, qua điều tra, truy vết đã xác định được 666 trường hợp đi từ Hải Dương, Quảng Ninh về, sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả 4 trường hợp dương tính.

“Đến ngày 3/2, quận có 10 ca F0, 132 trường hợp F1, 1.046 trường hợp F2. Riêng các trường hợp liên quan Trường tiểu học Xuân Phương đang cách ly, xét nghiệm đã cho kết quả âm tính”, vị này cho biết.

Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm thông tin thêm, trường hợp bệnh nhân N.Q.M (bệnh nhân 1694) có lịch sử di chuyển phức tạp, lời khai quanh co, gây khó khăn cho ngành Y tế.

Bệnh nhân 1694 có lịch sử di chuyển phức tạp, lời khai quanh co, gây khó khăn cho ngành Y tế. (Ảnh minh họa)

Thông tin về tình hình dịch bệnh hiện nay tại Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết từ 1/2 - 14h ngày 3/2, Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 ca mắc mới ngoài cộng đồng. Như vậy trong đợt dịch mới này Hà Nội đã có 21 trường hợp mắc COVID-19.

Tổng số người về từ Chí Linh, Hải Dương từ 1/1 và người về các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh từ 5/1 là 17.844 người. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm. Số mẫu đã có kết quả là 17.502 người, trong đó 4 mẫu dương tính, 17.498 mẫu âm tính. Còn lại 342 mẫu mới lấy trong ngày đang tiếp tục được chạy xét nghiệm.

Theo ông Hạnh, chỉ trong thời gian vừa qua, CDC Hà Nội đã lấy gần 40.000 mẫu để xét nghiệm, đây là con số lớn nên đòi hỏi thời gian để cho hết kết quả. Tuy nhiên với những mẫu có nguy cơ, dương tính sẽ cho kết quả trước.

Ngoài CDC, sẽ có 10 bệnh viện khác của thành phố và 12 bệnh viện Trung ương tham gia xét nghiệm, tăng tốc lấy mẫu và sớm cho ra kết quả. Hà Nội đề nghị các quận huyện tiếp tục lấy mẫu các trường hợp F2 còn lại. Còn F3 phải lên danh sách, nếu có chuyển biến thì phải lấy mẫu và xử lý ngay.

Từ các ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh đã lan ra 8 tỉnh thành phố khác trong đó có Hà Nội. Như vậy đợt này, 10 tỉnh thành đã có dịch ngoài cộng đồng.

Các trường hợp mắc trong cộng đồng tại Hà Nội thời gian qua có lịch trình đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là ca mắc số 1883 gần đây, nên nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người tiếp xúc. Thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng.

"Hiện đã có tình trạng, có nơi người dân hoang mang, lo lắng. Do đó các đơn vị chức năng cần phối hợp với quận, huyện tuyên truyền cho người dân hiểu, bình tĩnh xử lý và xác định các trường hợp liên quan đến ca bệnh", ông Hạnh cho hay.

Trước thắc mắc về việc người từ Hà Nội có được về các địa phương khác trong dịp Tết hay không, Giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng hiện chưa có chuyện cấm người dân về các địa phương, nhưng ông cũng lưu ý chuyện di chuyển như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, việc thực hiện phong tỏa không làm tràn lan mà cần dựa trên cơ sở khoa học. “Phong tỏa diện rộng thì an toàn cho chúng ta nhưng người dân rất khổ. Phong tỏa rộng mà ở trong lỏng lẻo thì còn nguy hiểm hơn. Phải khoanh vùng phong tỏa chính xác, an toàn”. 

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố.

Để chuẩn bị cho người dân phải đón Tết trong khu cách ly, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị rà soát các trường hợp cách ly để có thể chuyển về khu cách ly ở gần địa phương mình để an tâm và tiện cho việc cung ứng nhu yếu phẩm, phục vụ nhu cầu của người dân.

Về việc xử lý các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, Phó Chủ tịch UBND TP ghi nhận việc các địa phương đã vào cuộc quyết liệt và yêu cầu phải công khai tên tuổi, đơn vị các trường hợp vi phạm bởi đây là việc không mong muốn nhưng phải xử phạt nghiêm để siết chặt kỷ cương.

Hoàng Thọ

Tin mới