Từ lâu nấm được biết đến là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên có một số bệnh lại được khuyến cáo không nên ăn nấm. Vậy, bị bệnh gì không nên ăn nấm?
Nấm là loại nguyên liệu nấu ăn có hương vị thơm ngon mà không có natri hoặc chất béo. Các loại nấm phổ biến thường được sử dụng: Nấm hương, nấm mỡ, nấm mỡ trắng, nấm sò, nấm kim châm, nấm maitake,... Mỗi loại nấm đều có hình thức và hương vị riêng.
Nếu ăn nấm điều độ và đúng cách cơ thể bạn sẽ nhận được những tác dụng tuyệt vời dưới đây:
Nấm tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được
Bảo vệ tim
Trang tin The Health Site cho biết, nấm làm giảm cholesterol và giúp giảm cân. Nấm chứa các dưỡng chất có thể ngăn chặn tế bào dính vào thành mạch máu, góp phần ngăn chặn mảng bám hình thành trong các động mạch của bạn. Nó cũng giúp điều hòa mức huyết áp và thúc đẩy sự lưu thông máu. Đây là những yếu tố cần thiết để có một trái tim khỏe mạnh.
Chống ung thư
Một số loại nấm có đặc tính chống ung thư tuyệt vời. Ăn nấm thường xuyên giúp bảo vệ các tế bào của bạn chống lại nguy cơ tổn hại ADN. Nó cũng ức chế sự hình thành các khối u.
Vì vậy, nếu bạn muốn giảm nguy cơ ung thư, hãy biến loại thực phẩm này thành một phần trong chế độ ăn uống hằng ngày của bạn.
Nguồn cung cấp vitamin D và kẽm dồi dào
Nấm cung cấp lượng vitamin D dồi dào, một thành phần quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch và xương.
Nấm mỡ là một nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp chất kẽm - nguyên tố vi lượng thiết yếu cho hệ thống miễn dịch và cũng cần thiết để đảm bảo sự phát triển tối ưu ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
Hạ huyết áp
Nấm cung cấp nguồn giàu kali dồi dào, với tác dụng giảm tác động tiêu cực mà natri có thể gây ra đối với cơ thể. Kali cũng làm giảm căng thẳng trong mạch máu, có khả năng giúp giảm huyết áp.
Tăng cường hệ miễn dịch
Tác dụng chống viêm của nấm đã được chứng minh, giúp cải thiện đáng kể, hiệu quả hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu cũng phát hiện ra, nấm giúp kích thích các vi mô trong hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng đánh bại các dị vật và khiến bạn ít mắc các bệnh nghiêm trọng hơn.
Nấm tuy là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Bài viết của bác sĩ Phạm Huy trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, nấm có vị ngọt, tính mát, nếu dùng nhiều và lâu dài có thể dẫn đến lạnh bụng, khó tiêu. Những người tì vị hư nhược, khi ăn hay đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện lỏng, phân nát thì không nên dùng.
Ngoài ra, bác sĩ Huy cũng khuyến cáo khi mua nấm nên chọn loại non và tươi. Nên mua ở những cơ sở có uy tín. Tốt nhất nên dùng nấm trong 12 giờ sau khi thu hái. Đối với đồng bào ở miền núi, trong rừng có rất nhiều loại nấm nên lưu ý, đa số nấm độc có nhiều màu sắc đẹp, sặc sỡ, hay mọc nơi ẩm ướt và môi trường ô nhiễm, nhất là vào mùa mưa. Trong nấm độc có chứa nhiều nước màu trắng đục giống sữa bò. Đun nấu trong vật dụng bằng bạc hoặc kim loại, nấm độc có thể biến vật dụng này thành màu đen.
Lưu ý, nấm mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ nhưng khi ăn bạn cũng cần thận trọng. Cần chế biến nấm thật kỹ để đảm bảo rằng nấm đã chín hoàn toàn và không có gì gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, nấm là loài chỉ có thể sinh trưởng được trong môi trường sạch. Vì vậy khi sơ chế, không nên rửa quá kỹ sẽ làm nấm mất dần đi những dưỡng chất vốn có.