Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bên trong làng cổ 554 tuổi được đề nghị là di tích quốc gia đặc biệt có gì?

(VTC News) -

Làng Phước Tích (Huế) là ngôi làng lâu đời bậc nhất ở miền Trung với tuổi đời trên 550 năm vừa được Bộ VHTT&DL thống nhất lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt.

Video: Thăm làng cổ trên 550 tuổi từng có nghề làm gốm nổi danh ở miền Trung

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 40 km về phía Bắc thuộc xã Phong Hoà (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Phước Tích là ngôi làng thứ hai ở Việt Nam (sau làng cổ Đường Lâm) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009.

Theo sử liệu, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Lúc đầu, làng có tên gọi là Phúc Giang.  Ðến đời vua Gia Long nhà Nguyễn làng được đổi tên thành Phước Tích như hiện tại để thể hiện mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.

Một nét đặc trưng khác ở làng cổ Phước Tích là kiến trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng chè tàu xanh, thẳng tắp, gọn gàng. 

 Phước Tích hiện còn nguyên vẹn 38 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 12 ngôi nhà thờ họ, phái, 26 nhà ở của dân.

Những ngôi nhà rường nằm giữa những khoảng cây xanh rợp mát tạo ra bức tranh đẹp như tranh vẽ ở làng cổ Phước Tích. Sự yên bình nơi đây khiến nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài mê mẩn. (Ảnh: BQL LCPT)

Đoàn du khách nhỏ tuổi thích thú tham quan kiến trúc bên trong một ngôi nhà rường ở làng cổ Phước Tích. (Ảnh: BQL LCPT)

Đường trong làng cổ Phước Tích được lát gạch cổ kính, đẹp mắt với hàng cây xanh phủ mát hai bên đường.

Làng Phước Tích cũng từng nổi tiếng khắp các tỉnh miền Trung và cả nước với nghề làm gốm. (Ảnh: Nhật Linh)

Các sản phẩm gốm ở Phước Tích xưa được làm bằng tay, và đun bằng củi trong các lò sấp, lò ngửa, nổi tiếng bởi độ bền, mịn và tinh xảo và từng được so sánh với gốm Bát Tràng (Hà Nội).

Do chiến tranh loạn lạc nên nghề làm gốm ở Phước Tích bị gián đoạn nhiều lần. Năm 1995, lò nung cuối cùng ở Phước Tích "tắt lửa" do nghề làm gốm xuống dốc, suy thoái. 

Hiện nay, một số lò gốm hoạt động trở lại nhưng chủ yếu chỉ để phục vụ khách tham quan, du lịch. (Ảnh: BQL LCPT)

Một khu trưng bày các sản phẩm gốm ở Phước Tích để phục du khách tham quan.

Những du khách nhỏ tuổi khi đến tham quan làng cổ Phước Tích đặc biệt thích thú với trải nghiệm nặn đất làm gốm. (Ảnh: BQL LCPT)

Cây thị hơn 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích được công nhận là cây di sản năm 2015. Cây thị này khá nổi tiếng và thường thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. (Ảnh: Nhật Linh)

Hiện nay có nhiều hoạt động ở Phước Tích được đẩy mạnh để kích cầu du lịch như tham quan nhà vườn cổ, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng... 

Chính quyền huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) những năm qua tổ chức thêm lễ hội "Hương xưa làng cổ" tại làng cổ Phước Tích và mang lại hiệu ứng du lịch tích cực. Lượng du khách đến Phước Tích tham quan, trải nghiệm nhiều hơn, dịp Tết Nguyên đán 2024, làng cổ Phước Tích đón khoảng 1.870.

Đầu năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có tờ trình gửi Bộ VHTT&DL về việc đề nghị thỏa thuận chủ trương nâng cấp xếp hạng di tích làng cổ Phước Tích lên di tích quốc gia đặc biệt. Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến các nhà khoa học Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ VHTT&DL thống nhất lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích. 

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới