Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay, bệnh nhi là bé K.A (8 tuổi), ngụ huyện Hóc Môn.
Ngày 25/4, K.A nhập viện trong tình trạng sốc xuất huyết nặng, suy hô hấp, suy gan thận, diễn tiến ngày càng nghiêm trọng. Các bác sĩ nhanh chóng chống sốc, hỗ trợ hô hấp, đặt nội khí quản cho em.
"Đây là trường hợp sốc rất nặng trên cơ địa béo phì, bé nặng 40kg dù mới 8 tuổi, trẻ bị sốc sớm và sâu, ngay ngày thứ 3 của bệnh", bác sĩ Quang nói.
Sau 2 tháng điều trị sốt xuất huyết, bệnh nhi 8 tuổi đã hồi phục.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cậu bé được lọc máu, thay huyết tương liên tục hơn 1 tháng. Nhờ đó, gan và thận phục hồi dần nhưng vẫn lệ thuộc máy thở. Các bác sĩ mất thêm 1 tháng để tập cai máy cho trẻ.
Tuy nhiên, sau cơn thập tử nhất sinh và thời gian dài phụ thuộc máy thở, bé rất sợ hãi. Mỗi lần thấy bác sĩ chuẩn bị cai máy, cậu bé lại hoảng loạn, hụt thở, không cho đụng vào.
“Chúng tôi phải mời chuyên viên tâm lý cùng gia đình động viên, giải thích mỗi ngày với con. Ngày cai máy, mẹ, bà ngoại, bác sĩ đứng bên cạnh để con yên tâm, không sợ hãi, cuối cùng cũng thành công”, bác sĩ Quang nhớ lại.
Hiện tại, cậu bé được tập vật lý trị liệu, phục hồi cơ và sẽ xuất viện sau 1 tuần nữa. Tuy nhiên, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc vẫn còn khoảng 2/3 trẻ béo phì giống như K.A. Đây là nơi điều trị bệnh nhi sốt xuất huyết nặng nhất của bệnh viện.
Các chuyên gia xác định, phụ nữ mang thai và trẻ béo phì có nguy cơ chuyển nặng rất cao khi mắc sốt xuất huyết.
“Trong đại dịch COVID-19, trẻ béo phì mắc bệnh diễn biến rất nặng và với sốt xuất huyết cũng tương tự. Trẻ dễ suy hô hấp, suy đa cơ quan, sốc nặng. TP.HCM có tỷ lệ trẻ béo phì không ít, do đó phụ huynh hết sức cảnh giác khi sốt xuất huyết đang tăng cao”, bác sĩ Phạm Văn Quang cảnh báo.
Tình trạng căng thẳng diễn ra tương tự tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM. Trẻ sốt xuất huyết nặng liên tục được chuyển đến từ Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…
Trước đó, một bệnh nhi 9 tuổi ở Đồng Nai được cấp cứu với cơ địa béo phì, nặng 60 ký, sốc xuất huyết độ 3, điều trị rất khó khăn.
Trẻ béo phì rất dễ nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang, khoa Hồi sức tích cực Nhiễm – COVID-19 cho biết, hiện dịch sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, số lượng ca nặng đang tăng cao, phải thay máu, lọc máu, huyết tương... Bệnh nhi thừa cân, béo phì, có bệnh nền, suy thận cũng đang có dấu hiệu tăng.
TP.HCM hiện ghi nhận 11 ca tử vong vì sốt xuất huyết, gồm cả người lớn, trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngành y tế xác định, nguy cơ dịch chồng dịch là thách thức lớn của TP lúc này.
Dự báo, sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng cao, đạt đỉnh trong khoảng tháng 9 và 10. Khi số ca mắc tăng, tỷ lệ ca nặng cũng tăng theo. Nguy cơ quá tải đã hiện hữu tại các bệnh viện tuyến đầu.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM dự kiến không tiếp nhận trẻ mắc sốt xuất huyết, để dành giường cho bệnh nhân người lớn chuyển nặng. Bệnh viện Nhi đồng 1 sẵn sàng chuyển đổi khoa COVID-19 (120 giường điều trị và 30 giường hồi sức) thành khu điều trị sốt xuất huyết khi dịch phức tạp hơn.
“Chúng ta phải biết sợ sốt xuất huyết mới có thể phòng bệnh hiệu quả, bằng cách không cho lăng quăng và muỗi sinh sôi”, bác sĩ Phạm Văn Quang nhấn mạnh.