Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bầu Phó chủ tịch tài chính VFF: Ứng viên cần có đề án, nên tranh cử công khai

Giới chuyên gia và các ủy viên BCH VFF đều cho rằng, để tìm được người thực sự giỏi, VFF cần đặt ra tiêu chí cụ thể với các ứng viên.

BLV Anh Ngọc cho rằng: “Vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF liên quan đến vận động tài trợ là vị trí quan trọng, không phải ai cũng gánh vác được. Nhiệm vụ của họ không hề đơn giản chút nào bởi nó được đánh giá bằng hiệu quả trong công việc. Rất nhiều năm trở lại đây, những người nắm giữ vị trí này gần như đều không mang lại hiệu quả cao về mặt tài trợ. 

Nhiệm vụ này càng khó khăn hơn, sau khi bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tích trong hai năm trở lại đây. Người hâm mộ và cả giới chuyên môn sẽ nghĩ rằng miếng bánh bóng đá Việt Nam hiện “dễ ăn” hơn nên việc kêu gọi tài trợ cũng đơn giản hơn. Vì thế, yêu cầu với các ứng viên cũng cao hơn, khắt khe hơn”.

Chủ tịch Lê Khánh Hải (thứ ba từ trái sang) sẽ giúp VFF chọn được người có thực tài kiếm tiền? (Ảnh: H.L)

Theo BLV Anh Ngọc, ghế Phó chủ tịch tài chính VFF không nhất thiết phải là doanh nhân hay người nhà nước bởi “việc thuộc giới nào sẽ không quyết định người ấy có làm việc hiệu quả hay không”.

BLV Anh Ngọc nói: “Theo tôi, người đảm nhiệm ghế phó chủ tịch tài chính VFF cần hội tụ đủ các tiêu chí như có uy tín, năng lực, huy động được các nguồn tài trợ, phẩm chất tốt, có tình yêu với bóng đá... hay nói tóm lại ứng viên phải là người “vừa có tâm vừa có tầm” với bóng đá Việt Nam”.

Quá trình tranh cử của các ứng viên như thế nào sẽ do Đại hội VFF quyết định, nhưng sẽ tốt hơn nếu các ứng viên có đề án tranh cử.

“Các ứng viên vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF nên có đề án tranh cử bởi họ cần giới thiệu với người hâm mộ và giới chuyên môn là họ là ai; bản thân họ có thể làm được những gì và có khả năng gì đảm nhiệm được vị trí này. Điều này tốt cho cá nhân mỗi ứng viên tranh cử, và tốt cho cả bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, đại hội nên mở cửa cho báo chí theo dõi các ứng viên tranh cử công khai. Thời kỳ dân chủ mà, chẳng có lý do để đóng cửa với giới truyền thông cả. Người hâm mộ cũng cần phải biết quá trình tranh cử diễn ra như thế nào, và người được chọn có phải là người thể hiện tốt nhất không”, BLV Anh Ngọc nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao T&T Nguyễn Quốc Hội cũng ủng hộ việc các ứng viên có đề án tranh cử tại đại hội.

“Tôi cho rằng đây là yêu cầu cần thiết, các đại hội trước vấn đề này đã được nêu ra nhiều nhưng không rõ vì sao gần đây có vẻ không được quan tâm. Không phải tổ chức thành viên nào cũng nắm rõ năng lực ứng viên. Việc trình bày đề án tại đại hội là một trong những cơ sở để chúng tôi đánh giá, so sánh năng lực từng người. Có như thế lá phiếu mới chất lượng”, ông Nguyễn Quốc Hội chia sẻ.

Theo ông Hội, người đã chấp nhận ra tranh cử tại Đại hội VFF chắc chắn phải có nhiệt huyết, cảm thấy mình đủ khả năng gánh vác công việc nên cần phải có kế hoạch cụ thể, chương trình hành động, thậm chí mục tiêu về tài chính cho VFF.

Ông Nguyễn Quốc Hội cũng ủng hộ quan điểm của TGĐ Công ty cổ phần thể thao SLNA Nguyễn Hồng Thanh, một ủy viên BCH lâu năm khác, là Đại hội VFF nên mở rộng cửa với báo chí để dư luận có thể theo dõi. “Đại hội tổ chức bầu cử dân chủ, công khai thì có gì mà phải ngại. Theo tôi đây cũng là cơ hội để các ứng viên thể hiện trước giới hâm mộ. Có tài năng thực sự thì không nên rụt rè”, ông Hội nói.

Một ủy viên BCH VFF khác (đề nghị không nêu tên vì lý do tế nhị) nói với Tiền Phong: “Tôi thực sự hơi thất vọng vì danh sách ứng viên không có gương mặt nào ấn tượng, cảm giác người ta không mặn mà. Tôi đọc báo thì thấy nói có 6 người được giới thiệu, nhưng anh Trần Anh Tú và anh Nguyễn Hoài Nam đều xin rút. Trước đây họ từng có ý định hoặc đã tranh cử nhưng giờ lại bỏ thì không hiểu vì sao. Tới đại hội bắt buộc phải bầu thì chúng tôi cũng phải chọn một người thôi, nhưng nếu có nhiều người chất lượng hơn thì vẫn tốt”.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới