Sáng 10/5, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Cố gắng bằng mọi giá phải xóa lỗ lũy kế
Năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục, lên đến 7.750 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Trong đó, cây ăn trái dự kiến mang về 5.540 tỷ đồng, heo đóng góp 1.550 tỷ đồng và các sản phẩm hàng hóa khác mang về 660 tỷ đồng.
Bầu Đức trao đổi với cổ đông kết quả kinh doanh đang ngày càng tích cực của HAGL tại đại hội sáng 10/5. (Ảnh: H.L)
Tuy nhiên, trái với tăng trưởng doanh thu, chỉ tiêu lãi sau thuế lại giảm mạnh 26% so với kết quả năm trước, chỉ có 1.320 tỷ đồng.
Trong năm 2023, HAGL có doanh thu thuần 6.442 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch đề ra. Lãi sau thuế tăng rất mạnh, đạt đến 1.782 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch đặt ra.
Chia sẻ với cổ đông về mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh so với năm trước, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), cho rằng năm nay HĐQT đặt ra kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Tuy nhiên, con số lợi nhuận có thể sẽ tăng cao bởi giá heo hơi đang rất tốt.
Bầu Đức nói: “Con số 1.320 tỷ đồng cổ đông có thể thấy không hấp dẫn, nhưng đó là chúng tôi tính trên các chỉ số giá cuối năm 2023, còn nếu tính theo thị trường hiện tại thì có thể phải 2.000 tỷ đồng”.
Và nếu đạt được mốc lợi nhuận này, HAGL sẽ có năm thứ 3 liên tiếp có lãi nghìn tỷ. Như vậy, tập đoàn sẽ dần thực hiện được mục tiêu xóa lỗ lũy kế.
Theo báo cáo tài chính đến cuối 2023, HAGL ghi nhận khoản lỗ lũy kế 1.669 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ trong giai đoạn 2019-2020, khi tập đoàn liên tiếp kinh doanh lỗ nghìn tỷ mỗi năm. Tính đến cuối Quý I/2024, sau khi ghi nhận khoản lãi 214 tỷ đồng, lỗ luỹ kế của công ty bầu Đức giảm xuống 1.452 tỷ đồng.
Tại đại hội, Ban điều hành cũng trình cổ đông nhập con số 280 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, để giảm thêm số lỗ lũy kế.
Trả lời chất vấn của cổ đông về kế hoạch kinh doanh, xử lý nợ, bầu Đức dành nhiều thời gian nói về chuyện lỗ lũy kế đang cản đường HAGL.
“Lỗ lũy kế là ám ảnh của tôi. Hiện HAGL kinh doanh tốt nhưng đang bị xấu, bị vướng vì lỗ lũy kế. Vì lỗ lũy kế mà nhiều quỹ và các nhà đầu tư khác không đầu tư vào công ty. Chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm nay phải xóa bằng được lỗ lũy kế. Tôi sợ nói trước bước không qua, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, đến cuối năm 2024 phải xóa cho được lỗ lũy kế”, bầu Đức hứa với cổ đông.
Chuối vẫn là cây trồng chủ lực của HAGL, với dự kiến đạt 9.000 ha trong năm 2024. (Ảnh: HAGL)
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nói ông rất trăn trở vì năm nào đi họp, cổ đông HAGL cũng phải nghe câu chuyện lỗ lũy kế, nên năm nay phải cố gắng tạm biệt lỗ lũy kế để làm quà cho cổ đông. Hết lỗ thì cổ đông mới có thể “vui như Tết” được.
Ông Đức cũng nói các tài sản của tập đoàn đầu tư ngoài ngành nông nghiệp hiện đã bán hết để trả nợ, nên từ năm nay sẽ không bán, không thoái vốn bất cứ tài sản nào nữa.
Các khoản nợ còn lại, chủ yếu là 4.000 tỷ đồng nợ trái phiếu BIDV, tập đoàn sẽ cố gắng trả và không kỳ vọng ngân hàng xóa nợ như câu chuyện Eximbank năm ngoái.
“Tập đoàn đang quyết tâm trả nợ. Mình có nợ thì mình phải trả, không phải chờ xóa nợ, hy vọng đến 2026 sẽ xử lý xong phần này”, bầu Đức nói thêm.
Trong phiên họp nhà đầu tư cuối năm 2023, bầu Đức cũng từng cho biết doanh nghiệp cố gắng đến tháng 6/2024 sẽ xoá lỗ luỹ kế và năm 2026 sẽ trả hết nợ.
Sẽ có thêm một cái tên trên HoSE
Một nội dung khác ông Đức nói với cổ đông tại đại hội là câu chuyện “có ý đồ” IPO. Hiện HAGL có 5 công ty con hoạt động trong mảng nông nghiệp. Trong đó, Công ty con Chăn nuôi HAGL mấy năm nay là “công ty chết”, là “cục máu đông” do nhiều năm nợ Eximbank, nhưng đã thống nhất được phương án trả nợ và đang là công ty “cực đẹp”.
Bầu Đức nói với cổ đông HAGL kỳ vọng 1-2 năm tới sẽ có thêm 1 cái tên nhóm HAGL trên sàn HOSE. (Ảnh: BN)
Theo ông Đức, trong mảng nông nghiệp thì Chăn nuôi HAGL không thua kém các đơn vị đang niêm yết khác, khi sở hữu hơn 2.000 ha đất ở Gia Lai trồng sầu riêng, chuối và trang trại heo đầu tư hoàn chỉnh giá trị cao.
“Nếu IPO Chăn nuôi Gia Lai trong tương lai thì có tài sản lớn để đầu tư. Chúng tôi đã ký với Công ty chứng khoán LPBS để thực hiện nghiệp vụ này. Nếu đưa công ty sở hữu 2.000 ha này lên sàn, hy vọng trong 1-2 năm nữa sẽ có thêm 1 cái tên xuất hiện trên sàn HOSE”, bầu Đức cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng trải lòng với cổ đông chuyện “lỡ nhịp” khi hiện tại giá heo đang tăng cao nhưng trong kế hoạch kinh doanh năm nay, HAGL lại chỉ chú trọng đến chuối và sầu riêng. Lý do là năm 2023, ban điều hành không dám mạo hiểm, nên đã tạm dừng mảng chăn nuôi heo.
“Rất tiếc HAGL đã không dám liều, nếu liều từ năm ngoái thì bây giờ đã hưởng trái ngọt. Hiện tập đoàn đã có sẵn hệ thống trang trại lớn và tuyển dụng nhiều kỹ sư cho mảng này", ông Đức nói.
Theo tính toán chu kỳ giá heo lên xuống thường 2 năm, HAGL đang đẩy nhanh nhân đàn, kịp có doanh thu vào cuối năm 2024. Nếu đúng như dự đoán giá vẫn tốt thì “2025 sẽ là năm HAGL hưởng trọn”. Có thể năm 2025, doanh số heo sẽ vượt qua mảng trái cây.
Bầu Đức nói HAGL sẽ không đầu tư dàn trải như trước nữa, sẽ trung thành với “2 cây 1 con”. Năm nay, tập đoàn tập trung mở rộng diện tích cây ăn trái, cụ thể là trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng diện tích chuối lên 9.000 ha, trồng thêm 500 ha sầu riêng để đạt 2.000 ha. Riêng chăn nuôi heo, tập đoàn không mở rộng quy mô mà sẽ đầu tư trên cơ sở chuồng trại đã có.
"Tôi khẳng định với cổ đông 2025 sẽ là 'điểm rơi', là năm bản lề của HAGL, tất cả phong độ sẽ tập trung thời điểm này khi doanh thu heo tốt, diện tích sầu riêng phần lớn cho thu hoạch và chuối cũng tăng mạnh diện tích", ông Đức nói và nhận nhiều tràng pháo tay từ cổ đông.
Theo định hướng kinh doanh giai đoạn 2024 - 2030, HAGL muốn trở thành công ty công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam, với quy mô 30.000 ha sản xuất, vươn tầm thành nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra khu vực châu Á.
Đại hội bầu bổ sung ông Bùi Lê Quang làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Nguyễn Tiến Hưng vào Ban kiểm soát. Hai nhân sự mới đều có liên quan đến nhóm cổ đông lớn vừa xuất hiện tại HAGL là Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup.
Ông Bùi Lê Quang đang công tác tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) và còn đang đảm nhận vai trò Trưởng Ban kiểm soát Chứng khoán LPBank và Du lịch Kim Liên. Còn ông Nguyễn Tiến Hưng đang là Trưởng bộ phận kế hoạch ngân sách tại CTCP Thaiholdings.