Tại Mỹ, thời gian cho các cuộc bầu cử sơ bộ bắt đầu: giai đoạn đầu tiên là ở bang Iowa. Đảng Cộng hòa đang tập hợp đằng sau Tổng thống đương nhiệm: ông Donald Trump có 2 đối thủ cạnh tranh chính thức, nhưng không có nghi ngờ gì về việc ông sẽ là ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Tình hình ở đảng Dân chủ lại hoàn toàn khác. 11 người đang nộp đơn cho vị trí ứng cử viên tổng thống và vẫn chưa rõ ai đang là người dẫn đầu trong số họ. Nhiều đảng viên Dân chủ không hài lòng với tất cả các ứng cử viên. Hiện giờ không ai có thể dự đoán được ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
Cuộc tranh đấu nội bộ trong đảng Dân chủ phức tạp đến mức việc không thể có ứng cử viên nào rõ ràng có thể sẽ còn kéo dài đến tháng 3, và thâm chí có thể đến tháng 7. Sau cuộc bầu cử năm 2016, không có gì là có thể loại trừ trong chính trường Mỹ - tờ Die Welt viết.
Sự chia rẽ có thể khiến đảng Dân chủ mất cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. (Ảnh: Reuters)
Châu Âu có thể ngạc nhiên khi ông Trump có mọi cơ hội duy trì nhiệm kỳ tổng thống, nhưng trên thực tế, đứng về phía ông là một nhóm người ủng hộ ổn định, sự tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục. Lịch sử cho thấy rằng, nếu mọi thứ tại đất nước này đều đang diễn ra tốt đẹp, thì các cử tri Mỹ sẽ trao cho Tổng thống đương nhiệm nhiệm kỳ thứ hai.
Sự kỳ vọng quá mức của đảng Dân chủ vào bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã không thành hiện thực. Quá trình luận tội nhiều khả năng cũng thất bại, và ông Trump sẽ có thể trình bày sự thật này là thành công của mình.
Tuy nhiên, ứng viên đảng Dân chủ còn đang phải tranh đấu với chính họ người của đảng này.
Các ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ là hiện thân của sự chia rẽ trong nội bộ đảng - tờ Die Welt nhận xét. Ông Joe Biden là một nhân vật “ôn hòa” của đảng Dân chủ. Đối diện là ông Bernie Sanders người ủng hộ những thay đổi mang tính cách mạng ở Mỹ. Bà Elizabeth Warren, được định vị là một “nhà tư bản triệt để”, nhưng lại ủng hộ chính trị dân chủ xã hội theo phong cách châu Âu – điều mà ở Mỹ được coi là dấu hiệu của những quan điểm rất “cánh tả”.
Sự phân chia đảng Dân chủ thành “người ôn hòa” hay ủng hộ “người cánh tả” không cho phép đảng này tập hợp xung quanh một khẩu hiệu thống nhất (ngoại lệ chỉ là khẩu hiệu “Ông Trump phải rời đi”) - tờ Die Welt viết. Không quan trọng là rồi cuối cùng ai trong số các ứng cử viên sẽ đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống, câu hỏi chính vẫn còn bỏ ngỏ: liệu người này sẽ xoay sở ra sao để đoàn kết đảng xung quanh mình, hay cuộc tranh đấu nội bộ của đảng Dân chủ có phải đang làm phức tạp thêm cuộc sống của đối thủ sẽ đấu với ông Trump?
Theo tờ Die Welt, chính vấn đề này hiện đang là thách thức lớn nhất đối với đảng Dân chủ, bởi nó có thể khiến đảng này phải trả giá bằng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.