Lohit YT, một chuyên gia về Sông và Đất ngập nước tại Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), đang đi leo núi cùng bạn bè ở vùng Western Ghats của Mala, ở Karnataka, Ấn Độ thì bắt gặp loài ếch lưng vàng. Loài này có tên khoa học đầy đủ là Rao's Intermediate Golden. Rao's Intermediate Golden được đặt theo tên của người phát hiện ra nó, CR Narayan Rao, nhà bò sát học người Ấn Độ đã mô tả loài này vào năm 1937.
Làm thế nào một cây nấm, vốn thường sống trên những xác chết, lại có thể mọc lên từ một con ếch sống? (Ảnh: Lohit YT)
Vào khoảng giờ ăn trưa, Lohit và những người bạn của mình bắt gặp khoảng 40 con ếch này gần một cái ao nhỏ. “Có năm người trong chúng tôi bận rộn tìm kiếm loài ếch này”, Lohit nói với tờ New York Times. Nhưng một con trong số ếch đó có sự bất thường: Một cây nấm mọc ra từ bên hông lưng của nó. Điều này khiến nhóm chuyên gia ngạc nhiên, bởi nấm thường không mọc trên lưng ếch hoặc bất kỳ sinh vật sống nào, chúng chỉ mọc và lớn lên từ những xác chết thực vật.
Các chuyên gia cân nhắc và xác định loại nấm này là Nấm Bonnet. Nó có kích thước tương đối nhỏ và có mũ hình chuông đặc biệt thường mọc trên gỗ mục nát. Loại nấm này thuộc loại hoại sinh, nghĩa là chúng ăn chất hữu cơ chết, đặc biệt là gỗ mục nát. Chúng có thể được tìm thấy trên những khúc gỗ đổ, gốc cây hoặc vật liệu thực vật đang phân hủy khác, nhưng không phải là trên cơ thể ếch đang còn sống.
Trường hợp con ếch đang sống có cây nấm mọc từ trên hông lưng này là độc nhất vô nhị trong giới tự nhiên, bởi chưa có ai từng ghi lại và báo cáo điều gì đó tương tự như thế trước đây. Thật không may, các nhà nghiên cứu không thể đưa con ếch đi vào các nghiên cứu sâu hơn, nên họ không chắc điều gì sẽ xảy ra với nó ở giai đoạn cuối cùng.
Được biết, nấm đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Chúng là những sinh vật đáng chú ý phục vụ nhiều chức năng khác nhau: chúng có thể là sinh vật phân hủy, hoặc hình thành mối quan hệ cộng sinh với các sinh vật khác để tạo điều kiện thuận lợi cho chu trình dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số loại nấm lại là ký sinh trùng có thể gây hại cho thực vật và động vật chủ.
Các nhà nghiên cứu giải thích trong bài báo của họ rằng, một ví dụ về loại ký sinh trùng nấm có hại được đề cập là Batrachochytrium dendrobatidis, gây ra một căn bệnh gọi là chytridiomycosis ở động vật lưỡng cư. Căn bệnh này đã có tác động đáng kể, ảnh hưởng đến hơn 700 loài lưỡng cư trên toàn thế giới.
Các nghiên cứu gần đây đã tìm thấy mức độ thấp của loại nấm này ở những khu vực có mật độ ếch cao, được gọi là điểm nóng về ếch, trên khắp Ấn Độ. Điều này cho thấy, mặc dù hiện tại căn bệnh này có thể không gây hại trên diện rộng, nhưng nó có khả năng gây ra mối đe dọa cho quần thể lưỡng cư trong tương lai.