Theo khảo sát mới công bố của hai hãng tư vấn nhân sự Talentnet và Mercer với 605 doanh nghiệp tại Việt Nam, tỷ lệ tăng lương năm nay ở nhóm doanh nghiệp nước ngoài là 6,5%, nhóm doanh nghiệp Việt Nam là 5,2%.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp đã tăng lương trong năm, những tỷ lệ này ghi nhận đến hết năm có thể tăng lên lần lượt đến 7,6% và 7,9%.
"Nhìn chung, đây là tỷ lệ tăng lương thấp nhất trong hơn 10 năm qua, dù vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát và tình hình tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay", báo cáo nhận định.
Tỷ lệ tăng lương năm nay được Talentnet - Mercer xác định là thấp nhất trong 10 năm qua. (Ảnh: TGDĐ)
Đáng chú ý, 13% công ty vẫn áp dụng chính sách thưởng đặc biệt (special bonus) cho những nhân viên giữ vai trò trọng yếu đến tình hình kinh doanh, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Đồng thời, đối với các khoản thưởng hiệu quả công việc, thưởng theo doanh số, 3% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng cao hơn năm 2019, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất.
Do đặc thù của ngành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, gồm ngân hàng, cho vay tiêu dùng, quản lý quỹ có tỷ lệ thưởng dự kiến cao nhất, dao động 20,1-22,4% lương cơ bản năm.
Trong khi đó, 29% công ty dự định thưởng thấp hơn, chủ yếu ở các ngành hàng không, bất động sản, vật liệu xây dựng.
Mặc dù vậy, dựa trên triển vọng kinh doanh vào năm sau, 40% doanh nghiệp cho biết sẽ tuyển dụng thêm nhân sự, trong khi 55% khác không thay đổi nhân sự.
Nhìn chung thị trường lao động khu vực châu Á, Talentnet - Mercer cho rằng các doanh nghiệp đang trong tâm thế cầm chừng trước các quyết sách về lương, thưởng, do tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế còn biến động liên tục.
Trong một khảo sát chuyên sâu được thực hiện bởi Mercer mới đây, các doanh nghiệp thừa nhận sẽ phải đối mặt với rào cản tăng lương trong năm 2021, cũng như tình trạng kiệt sức của nhân viên khi phải làm việc quá sức để theo kịp guồng quay hậu COVID-19.
Bên cạnh đó, tính minh bạch về tình hình kinh doanh của công ty dưới tác động của đại dịch và khả năng tăng lương thưởng cho nhân viên cũng là điều đáng lo ngại.
"Các doanh nghiệp được khuyến khích trao đổi thẳng thắn với nhân viên về tình hình hiện tại và kế hoạch tương lai, để nhân viên hiểu rõ và chuẩn bị tâm lý trước những thách thức này", Mercer nêu quan điểm.