Ngày 27/10, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng cứu hộ sẽ ngừng tìm kiếm người mất tích và rút khỏi thuỷ điện Rào Trăng 3 trước 15h cùng ngày để đảm bảo an toàn do bão số 9 diễn biến phức tạp và đang áp sát đất liền.
Trước đó, do dự báo chiều 25/10 ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 sẽ có mưa to và mưa dự báo sẽ kéo dài đến ngày 29/10. Để đảm bảo an toàn, ngày 25/10, lực lượng cứu hộ phải dừng để sửa chữa máy móc và chiều cùng ngày, toàn bộ lực lượng tìm kiếm cứu nạn rút về TP Huế bằng đường thủy để đảm bảo an toàn. Chỉ có hơn 30 công nhân sẽ ở lại để vận hành nhà máy thủy điện Rào Trăng 4.
Tuy nhiên, đến sáng 26/10 nhận thấy tình hình thời tiết thuận lợi, các lực lượng cứu hộ khẩn trương quay lại thuỷ điện Rào Trăng 3 thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn những công nhân mất tích.
Bão số 9 áp sát đất liền, lực lượng cứu hộ buộc phải rút quân khỏi Rào Trăng 3, tạm ngừng tìm kiếm hàng chục công nhân còn mất tích.
Gần 100 người được huy động tiếp tục tham gia tìm kiếm cứu nạn và trong ngày 26/10, các lực lượng sẽ tập trung tìm kiếm theo 2 mũi. Ngoài ra, chó nghiệp vụ cũng được đưa trở lại vào thủy điện Rào Trăng 3 để tổ chức tìm kiếm các công nhân còn mất tích.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các lực lượng tranh thủ từng ngày, từng giờ nỗ lực tìm kiếm khi cơn bão số 9 đang đến gần kèm theo hoàn lưu gây mưa to ảnh hưởng đến công tác cứu nạn.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Công ty Petrolimex Thừa Thiên - Huế bảo đảm cung ứng đầy đủ nhiên liệu cho lực lượng cứu hộ. Đảm bảo nhân lực và phương tiện tại hiện trường và cơ số dự phòng cho công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ được diễn ra liên tục.
Sở Y tế với hợp với lực lượng Quân y bố trí y bác sĩ tại hiện trường để sẵn sàng ứng phó với các sự cố cũng như theo dõi sức khỏe cho các lực lượng tham gia cứu hộ.
Đến sáng 27/10, mặc dù bão số 9 đang áp sát nhưng thời tiết tại Thừa Thiên - Huế tạnh mưa, trời hửng nắng. Các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 vẫn tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm. Trong ngày 27/10, chó nghiệp vụ của lực lượng bộ đội biên phòng có mặt và tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm tại hiện trường.
Tuy nhiên, khu vực tìm kiếm, cứu hộ thuộc thủy điện Rào Trăng 3 rất rộng lớn, địa hình đồi dốc, nguy hiểm, khối lượng đất đá sạt lở tại hiện trường lên đến hơn 2 triệu m3. Do đó, lực lượng tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn trong việc thi công, đào bóc, phá dỡ đất đá để tìm kiếm hơn 10 nạn nhân mất tích còn lại.
Được biết, trước đó, trong 2 ngày 23 và 24/10, lực lượng chức năng tìm thêm được 3 thi thể nghi nằm trong số 15 công nhân mất tích và đưa về một bệnh viện ở TP Huế để xét nghiệm ADN xác định danh tính. Nếu đúng thì hiện số công nhân còn mất tích ở thuỷ điện Rào Trăng 3 là 12 người.
2h ngày 12/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được tin báo của người dân về sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.
Ngay chiều cùng ngày, Đoàn công tác 21 người của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Tối 12/10, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn tạm nghỉ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67. Vào lúc 00h00 ngày 13/10, quả đồi gần đó bất ngờ sạt lở vùi lấp khu vực đoàn đang tạm nghỉ. 8 người may mắn thoát ra khỏi khu vực sạt lở, 13 người mất tích.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 2 vụ sạt lở liên tiếp xảy ra khiến tổng cộng 30 người mất tích, trong đó có 17 công nhân tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn.
Tối 15/10, toàn bộ thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích trong đoàn của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế được lực lượng chức năng tìm thấy. Ngoài ra, 2 thi thể công nhân gặp nạn cũng được tìm thấy và xác định được danh tính và đưa về địa phương lo hậu sự.