Những ngày giáp Tết hay trong Tết, chỉ cần đi dọc các con phố khu Chợ Lớn, Sài Gòn không khó để bắt gặp những chiếc bánh tổ vàng tươi, in hoa văn đỏ được bày bán.
Khu Chợ Lớn (Quận 5, TP.HCM) được xem là “thủ phủ” của người Hoa. Không biết họ đến đất Sài Thành sinh sống từ khi nào, song họ đến mang theo bánh tổ làm phong phú thêm cho ẩm thực ngày Tết mảnh đất Sài Gòn.
Những chiếc bánh Tổ đặc trưng Tết của người Hoa khu Chợ Lớn, TP.HCM.
Theo chị Phương Ký, chủ tiệm bán Tổ Sám Ký tại Quận 5 cho biết, bánh Tổ đọc theo âm tiếng Hoa là “nian gao”. “Nian” có nghĩa là “dính”, âm thanh đọc giống hệt từ “niên” nghĩa là năm và từ “gao” có nghĩa là “bánh”, âm thanh đọc giống hệt từ “cao” trong tiếng Hoa.
Nian gao là từ đồng âm khác nghĩa với “niên cao”, ăn “nian gao” có ý nghĩa tượng trưng cho việc nâng cao bản thân trong mỗi năm mới, năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn năm cũ. Vì vậy, bánh Tổ là món không thể thiếu trên bàn thờ của người Hoa mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nguyên liệu bánh tổ gốc Hoa gồm có gạo nếp, đậu đỏ và đường. Theo chị Phương Ký, 1kg gạo nếp cần khoảng 765g đường tán, 200g đậu đỏ và 100ml nước gừng giã. Gạo nếp sau khi xay thật mịn bỏ vào túi vải trắng sạch khoảng 1,5 giờ ép khô nước, sau đó đem bột trộn với đường tán và nước gừng, chút bột nghệ thật kỹ thành hỗn hợp có màu vàng.
Đậu đỏ nấu cho mềm nhừ như nấu chè rồi xay nhuyễn, sên trên lửa vừa với đường thành hỗn hợp mịn, dẻo. Cắt ni lông hoặc lá chuối lót vào khuôn và tráng dầu ăn sau đó cho hỗn hợp bột nếp vào, cho nhân đậu đỏ ở giữa rồi đem hấp. Tùy theo kích thước lớn nhỏ mà có thời gian hấp khác nhau, khoảng 3 giờ cho đến khi nào bánh chuyển màu vàng trong thì được. Sau đó đem phơi khoảng 3-4 ngày là sẽ có những chiếc bánh Tổ vàng ươm và thơm ngon.
Theo chị Phương Ký, bánh Tổ để được rất lâu, có thể nửa tháng tới một tháng, ngon nhất là khi chiên lên ăn.
Bánh Tổ còn du nhập vào Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Trở thành món đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp Tết của người dân xứ Quảng. Nhiều địa phương ở Quảng Nam đều làm bánh này nên nhiều người nghĩ là dùng để thờ tổ tiên nên đặt là Bánh Tổ. Có nhiều giả thuyết còn cho rằng, bánh do vua Quang Trung sáng tạo ra mà thực chất không phải như vậy.
Bánh Tổ xuất hiện trên đất Hội An khá lâu, cùng thời với sự hình thành các khu phố cổ, được người Hoa du nhập từ thế kỷ 16 - 17 và tồn tại cho đến ngày nay. Bánh Tổ cùng với món cao lầu là hai món ăn truyền thống, đặc trưng cho "văn hóa ẩm thực Trung Hoa" và là món ngon, đặc sản phố cổ Hội An từ hàng trăm năm qua.
Cùng tên gọi, cũng nếp, cũng đường nhưng bánh Tổ của người Hoa ở Sài Gòn khác hẳn bánh tổ của người dân xứ Quảng của ta. Bánh Tổ của người Hoa có hai loại: màu trắng và màu vàng. Loại màu trắng sử dụng đường cát trắng, có nơi sử dụng đường phèn. Loại màu vàng tươi sử dụng đường tán. Còn bánh tổ của người Hội An có màu nâu vàng đến thẫm và bên trên có rắc vừng rang chứ không có in chữ đỏ như người Hoa.
Những quầy bán bánh tổ của người Hoa được dựng lên ở khắp các con phố khu Chợ Lớn (Quận 5, TP.HCM) những ngày Tết đến.
Hàng năm, cứ khoảng từ 22 tháng Chạp, người Hoa khu Chợ Lớn, Sài Gòn đem bày bán bánh Tổ đầy ngoài phố. Những chiếc bánh vàng tươi tô điểm chữ đỏ thể hiện sự may mắn, hạnh phúc những ngày năm mới. Những dãy phố dài được “nhuộm” một màu vàng bánh Tổ càng làm cho đường phố Sài Gòn thêm đẹp, thêm tươi mới ngày xuân về.