Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bản tin COVID-19 thế giới ngày 7/8: Philippines thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á

(VTC News) -

Philippines vượt Indonesia trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, trong khi châu Âu phải thắt chặt biện pháp chống dịch trước làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Tính đến ngày 7/8, toàn thế giới có hơn 19,2 triệu ca mắc COVID-19, 716.274 người chết, 12.337.543 người phục hồi.

Các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh là Mỹ (5,02 triệu ca), Brazil (2,91 triệu ca), Ấn Độ (2,02 triệu ca), Nga (870.000 ca) và Nam Phi (538.000 ca).

Nhiều nước trên thế giới bắt đầu chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19 dù trước đó đã kiểm soát dịch tốt.

Các chuyên gia tin rằng châu Âu đang chứng kiến sự “hồi sinh” của virus SARS-CoV-2 với khả năng Đức hay Pháp có thể phải đối mặt với làn sóng thứ 2 trong vài tuần tới.

Trong khi đó, châu Á tiếp tục chứng kiến số ca bệnh tăng cao trở lại như như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á. 

Philippines trở thành tâm dịch COVID-19 của Đông Nam Á. (Ảnh: Philstar)

Ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á

Philippines hôm 6/8 này ghi nhận 3.561 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên thành 119.460. Con số này khiến Philippines vượt Indonesia trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á. 

Theo Bộ Y tế Philippines, các ca nhiễm mới trên toàn quốc trong một ngày đã tăng gấp 5 lần so với giai đoạn đầu dịch.

Số người thiệt mạng vì COVID-19 ở nước này cũng tăng thêm 28 ca, lên tổng 2.150 ca, ít hơn một nửa so với Indonesia. 

Trong cuộc họp báo sáng 6/8, Bộ Y tế Philippines cho rằng, nỗ lực tăng cường xét nghiệm tại quốc gia này đã dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm trong những tuần gần đây tại Philippines.

Trước đó hôm 2/8, Tổng thống Rodrigo Duterte đã khôi phục các hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Manila. Ông Duterte chấp thuận khuyến nghị đưa thủ đô Manila - nơi sinh sống của khoảng 12 triệu người - và một khu vực gần đó trở lại tình trạng "kiểm dịch cộng đồng" từ thứ ba (4/8) đến 18/8 nhưng từ chối phong tỏa thành phố này. 

Nhà lãnh đạo Philippines cũng bày tỏ xin lỗi vì không còn ngân sách để hỗ trợ người dân Manila sắp chịu lệnh tái phong tỏa.

Mỹ gỡ bỏ cảnh báo đi lại toàn cầu 

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/8 gỡ cảnh báo đi lại mức cao nhất với công dân nước này với lý do tình hình dịch trên thế giới có dấu hiệu cải thiện. 

Trước đó, hôm 19/3, Mỹ nâng cảnh báo đi lại lên cấp 4, mức cao nhất, khuyến cáo công dân không đi nước ngoài và người đang ở nước ngoài nên trở về nước, giữa lúc dịch virus corona lan rộng toàn cầu.

Người dân đeo khẩu trang tại New York (Mỹ). (Ảnh: Reuters)

Trong thông báo mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ tiếp tục đưa ra các khuyến cáo riêng lẻ đối với từng nước cụ thể tùy thuộc vào tình hình an ninh và điều kiện y tế, dịch bệnh từng nơi.

Bộ này nhấn mạnh sẽ tiếp tục khuyến cáo công dân Mỹ thận trọng khi đi ra nước ngoài bởi tình hình đại dịch dù đã đỡ hơn nhưng vẫn diễn biến khó lường. 

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với trên 5 triệu ca nhiễm. Một số quốc gia vẫn đang hạn chế để người Mỹ nhập cảnh. 

Trong khi đó chính quyền Tổng thống Trump hạn chế người nước ngoài tới từ châu Âu, Trung Quốc và Brazil vào Mỹ.

Châu Âu chống làn sóng lây nhiễm thứ 2

Nhiều quốc gia trên khắp châu Âu siết chặt các biện pháp chống dịch và hạn chế du lịch trước lo ngại về làn sóng COVID-19 thứ 2 tấn công lục địa già. 

Đức là nước mới nhất yêu cầu các du khách trở về từ các khu vực rủi ro phải xét nghiệm COVID-19. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. 

Danh sách "vùng rủi ro" của Đức hiện tại bao gồm hầu hết các quốc gia ngoài EU, cũng như một số tỉnh ở Bỉ và Tây Ban Nha.

Đám đông đeo khẩu trang nhưng không duy trì giãn cách xã hội ở Đức. (Ảnh: Reuters)

Nước láng giềng Áo của Đức hôm 6/8 tuyên bố sẽ đưa ra cảnh báo du lịch đối với Tây Ban Nha.

Phần Lan cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát mới đối với du khách đến từ một số nước EU, bao gồm Bỉ, Hà Lan và Andorra. 

"Giai đoạn thứ 2 đã bắt đầu. Một làn sóng mới có quy mô nhỏ hơn hoặc lớn hơn phụ thuộc vào cách chúng ta phản ứng", Giám đốc chiến lược của Bộ Y tế Phần Lan Liisa-Maria Voipio-Pulkki cho hay. 

Na Uy hôm 6/8 liệt Pháp vào danh sách "khu vực đỏ" do dịch bệnh bùng phát trở lại. Điều này đồng nghĩa các du khách tới từ Pháp sẽ phải cách ly 10 ngày khi tới nước này.

Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết người dân tới từ Thụy Sĩ, Monaco và Cộng hòa Czech cũng như 2 khu vực của Thụy Điển cũng phải chịu những hạn chế tương tự. 

Song Hy

Tin mới