Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng 24/8, thế giới ghi nhận 23.556.468 ca mắc COVID-19, ít nhất 811.654 người chết và 16.049.541người bình phục.
Các nước bị dịch bệnh ảnh hưởng nhiều nhất là Mỹ (5.870.674 ca), Brazil (3.605.783 ca), Ấn Độ (3.105.185 ca), Nga (956.749 ca) và Nam Phi (609.773 ca).
Mỹ cho phép sử dụng huyết tương điều trị COVID-19
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/8 đã cho phép sử dụng huyết tương từ những bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị cho những người mắc mới COVID-19. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho cơ quan này chậm trễ việc áp dụng phương pháp điều trị này vì yếu tố chính trị.
Thông báo từ FDA về cái gọi là "cho phép sử dụng khẩn cấp" cũng được đưa ra trước thềm Hội nghị toàn quốc của đảng Cộng hòa.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/8 cho biết, họ đã cho phép sử dụng huyết tương từ những bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị cho những người mắc mới COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, Tổng thống thống Trump đăng tải dòng tweet cho biết: “FDA đang khiến các công ty dược phẩm gặp rất nhiều khó khăn để có được người thử nghiệm vaccine và phương pháp trị liệu. Rõ ràng, FDA đang muốn trì hoãn câu trả lời cho đến sau ngày 3/11”.
FDA cho biết bằng chứng ban đầu cho thấy huyết tương có thể làm giảm tỷ lệ chết và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân khi được sử dụng trong 3 ngày đầu tiên nhập viện.
Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA cho biết: “Phương pháp này dường như an toàn và chúng tôi cảm thấy vui với điều đó”.
Cơ quan này cũng cho biết đây cách tiếp cận an toàn dựa trên phân tích, đánh giá từ 20.000 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. FDA cho biết, đến nay, 70.000 bệnh nhân đã được điều trị bằng huyết tương và những bệnh nhân dưới 80 tuổi là những trường hợp được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều trị này.
Thủ tướng Anh kêu gọi phụ huynh cho trẻ đi học trở lại
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 23/8 nói rằng việc đưa trẻ em trở lại lớp học là điều "cực kỳ quan trọng" khi các trường học mở cửa trở lại vào tuần tới. Theo ông Johnson, việc học sinh nghỉ học lâu ngày "tai hại hơn nhiều" so với dịch bệnh.
“Điều tối quan trọng là chúng ta phải đưa con em mình trở lại lớp học để học và vui chơi với bạn bè của chúng. Không có gì có ảnh hưởng lớn hơn đến cơ hội của con cái chúng ta hơn là việc trở lại trường học", ông Johnson choi hay.
Thủ tướng Anh cảm ơn các nhân viên nhà trường đã làm tốt công tác chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại học tập vào tháng 9, đồng thời nhấn mạnh những phát biểu trước đây của ông về "việc mở cửa lại trường học cho tất cả học sinh một cách an toàn".
Hôm 23/8, các Giám đốc y tế và Phó Giám đốc y tế của Anh, Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales đã đưa ra một tuyên bố đánh giá về rủi ro cũng như mức độ an toàn của việc mở của trở lại đối với các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em.
"Các bằng chứng chứng minh rằng nguy cơ trẻ em ở độ tuổi tiểu học hoặc trung học chết vì COVID-19 là rất thấp. Đồng thời, tỉ lệ trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học mắc bệnh nặng là thấp hơn nhiều so với người lớn”, tuyên bố cho hay.
Anh hiện ghi nhận 325.642 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 41.429 người chết vì dịch bệnh này.
Giẫm đạp tại hộp đêm ở Peru, 13 người thiệt mạng
Theo Orlando Velasco Mujica, lãnh đạo Cảnh sát quốc gia Peru, ít nhất 13 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp tại một hộp đêm ở Lima (Peru) khi những người tham gia tiệc tùng cố gắng thoát khỏi cuộc truy quét của cảnh sát vào địa điểm này.
Cảnh sát đã được thông báo về bữa tiệc bất hợp pháp có hơn 120 người đang tham dự, được tổ chức tại hộp đêm Thomas Restobar ở quận Los Olivos của thủ đô Peru vào tối 22/8, trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội ngừa COVID-19 đang được áp dụng tại quốc gia Nam Mỹ này.
ít nhất 13 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp tại một hộp đêm ở Lima, Peru. (Ảnh: Reuters)
Bộ Nội vụ cho biết, cảnh sát không sử dụng "bất kỳ loại vũ khí hoặc đạn hơi cay nào để giải tán đám đông. Khi mọi người bắt đầu cố gắng chạy khỏi địa điểm sau khi cảnh sát xuất hiện, họ đã giẫm đạp lên nhau”.
Cảnh sát cho biết họ đã bắt đầu mở cuộc điều tra để xác định chủ sở hữu của hộp đêm và những người chịu trách nhiệm cho sự việc này. Cảnh sát cho biết 23 người đã bị bắt.
Peru đã thực hiện bắt buộc các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, các cuộc tụ tập đông người bị cấm, còn lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 10 giờ tối trên toàn quốc trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, Peru là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan COVID-19 nghiêm ngặt. Nhưng hiện Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ Latinh, với hơn 576.000 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có hơn 27.000 người đã chết.