Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bám càng cao thủ săn ‘gà đồng’

(VTC News) -

Tay thợ săn khét tiếng, trong đêm tối, cách xa 30-40m, vẫn có thể xác định được ngay đó là ếch, hay cóc, không những thế còn biết nó nặng bao nhiêu gram.

Anh thợ săn ếch ấy là Hoàng Văn Ngọc, sinh năm 1974, nhà ở khu 13 Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ. Người ta bảo anh xây nhà, nuôi hai đứa con khôn lớn cũng nhờ vào nghề bắt ếch đồng.

Nghe tài bắt ếch của anh đã lâu, hôm nay tôi quyết “bám càng” anh một phen.

Như đã hẹn, 9h tối hôm ấy, tôi qua nhà anh Ngọc để theo anh đi bắt ếch. Anh không có nhà. Chị Bình, vợ anh nói anh ngồi uống rượu từ 5h chiều bên nhà hàng xóm, cũng là người trong họ.

Chị Bình bảo: “Chị nói bao lần rồi. Là cứ ngày hai cuộc rượu thế này thì chẳng mấy chốc mà… Bớt bớt lại, kẻo lại đến lúc “vợ mình người ta xài, con mình người ta sai”.

Chị nói vừa dứt lời thì ngoài cổng, anh Ngọc lệt xệt dép lê đi về. Ngó bộ vẫn còn tỉnh táo lắm. Chắc anh vẫn nhớ có hẹn thằng em tối nay đi săn.

 

 

Không nói nhiều, anh bắt tay soạn đồ nghề săn ếch: Vợt lưới, cán dài 5m, giỏ có miệng vải giúp bắt ếch từ trong ra dễ dàng mà ếch không có cơ hội chạy thoát; ủng cao su, loại mấy bà đi cấy hay dùng, dài quá đầu gối. Đeo loại này để chống rắn rết. Thêm cái nón mê chống sương muối. Và thứ không thể thiếu là chiếc đèn pin đeo đầu. Anh Ngọc bảo: Hôm nay dùng đèn ánh sáng trắng vì trời quang. Những hôm nhiều sương, mù trời, phải dùng đèn ánh vàng. Khi đó mà dùng đèn trắng sẽ rất khó nhìn và ánh sáng trắng trong sương mù còn tạo ra nhiều quầng mắt, rất khó phát hiện con mồi.

Anh dặn: Đi theo thì được, nhưng không nói chuyện, không tùy tiện bật đèn pin, chân đi phải nhẹ nhàng.

Thấy anh không mang nước uống, tôi thắc mắc thì được giải thích: Nước ao nước ruộng thiếu gì. Tôi tròn mắt. Anh cười: Đùa thôi, một buổi bắt ếch đi bộ, chui rúc, lội ruộng, tính sơ sơ cũng 10-15km, uống nước vào vừa nặng vừa tức bụng. Nhịn, về uống sau.

Chúng tôi đi men theo con đường rìa làng dẫn ra cánh đồng. Vùng này đất chiêm trũng, gần sông Đà, cách cầu Trung Hà không xa. Mỗi năm lại có mấy tháng lụt, đồng lúa ngập trắng xóa. Khi đó cả vùng trở thành dân hạ bạc. Người chài, kẻ lưới, giăng câu, đặt trúm, thả rọ cua, đặt cụp bắt cá chép, cá nheo… Những người dày vốn muốn làm ăn lớn thì quây đồng thả cá. Đặc điểm của cách nuôi cá kiểu này là luôn phải chọn con giống đã lớn, vì như trắm cỏ tầm 2kg, chép cũng tầm 1kg trở lên. Họ nuôi trong vài tháng, không cần cho ăn vì đồng đã đầy nguồn thức ăn cho cá. Việc của họ là phải chia nhau túc trực ngoài lều cá 24/24h, đề phòng trộm cắp. Vài tháng ngập kéo đến gần Tết, chủ đầm đánh bắt xong lứa cá cũng là lúc nước cạn dần để lộ ra từng đám ruộng, sẵn sàng cho vụ lúa chiêm.

Anh Ngọc không chơi mấy món đó mà chuyên nghề bắt ếch. Anh nổi tiếng cả vùng vì tài săn “gà đồng”. (Nhiều vùng quê xứ Bắc lắm khi gọi ếch một cách hoa mỹ là “gà đồng”, vì thịt ếch tự nhiên rất dai, ngọt. Chớ nên nhầm lẫn với gà đồng là một loài chim thuộc họ gà nước. Ở miền Nam, một số nơi gọi là chim cúm cúm hay cúm núm vì tiếng kêu “cúm cúm” của chúng).

Lúc này, cả hai chúng tôi đã ra tới cánh đồng giáp giữa khu 13 Đào Xá và thị trấn Hưng Hóa của huyện Tam Nông, Phú Thọ. Anh Ngọc hết quay ngang lại quay ngửa. Ánh đèn pin loang loáng. Tôi không nói gì mà chỉ tập trung quan sát. Không như tôi tưởng tượng, anh Ngọc lia đèn ra các điểm cách xa 25-30m. Tôi thầm nghĩ: Xa thế thì thấy được gì? Dường như đoán được ý của tôi, anh  Ngọc bảo: Chiếu tầm này phát hiện mới dễ, và cũng là khoảng cách đủ an toàn để ếch không nhảy đi, còn người có cơ hội toan tính cách bắt sống nó.

Bỗng anh Ngọc đứng khựng lại. Tôi cũng dừng ngay lập tức. Không một động tác thừa, anh Ngọc xoay cây vợt dài chụp ngay vào nơi tôi vẫn chưa trông thấy rõ có cái gì. Một con gì đó nhảy vọt lên, nhưng nó đã bị đám lưới bao vây. Nó cố giãy, nhưng càng giãy thì càng mắc lưới. Anh Ngọc nhấc cái vợt lên cho tôi xem: Một con ếch đen xì, rất to. Anh Ngọc ước tính nó nặng tầm 2,5 lạng. “Ếch đồng mà cỡ này là to lắm rồi”, anh bảo. "Trước nhà có nuôi ếch kiểu công nghiệp, cho ăn cám. Cũng to cỡ này, thậm chí hơn, có con đến 4 lạng. Nhưng thịt nhạt, bở, không thể dai ngọt như thứ gà đồng này được".

 

Trước đây, tôi nghe mọi người nói trong đêm tối, chỉ với ánh đèn pin, từ khoảng cách 30-40m, anh Ngọc vẫn có thể phát hiện ra con ếch. Không chỉ vậy, anh có thể biết rõ nó nặng bao nhiêu gram, sai số là không đáng kể. Hôm nay mới thấy tất cả những gì người ta nói đều đúng, không có chút nào là nói vống.

Trong đêm, chỉ liếc mắt, anh có thể biết đó là ếch, là nhái, chẫu chàng hay cóc. “Hai mắt cóc và ếch cách xa nhau, trong khi mắt chẫu chàng và nhái thì gần nhau. Mắt ếch trong, còn mắt cóc phản chiếu ánh đỏ”, anh Ngọc giải thích.

 “Ếch đồng thì ngon rồi, nhưng đối với dân bắt ếch như mình, con chẽo hay chão chuộc, chẫu chuộc, mới là thứ “tuyệt cú mèo”. Thịt ngọt, xương mềm”, anh Ngọc nói. “Bắt về, chỉ bỏ đầu, tuốt da, là làm cái gì cũng ngon. Nướng, băm làm chả, nấu chuối mẻ”.

Anh Ngọc bảo cứ từ tháng Ba âm lịch, trời bắt đầu có mưa rào, là bắt đầu vào mùa săn ếch. “Có đêm bắt được cả yến, bán được hơn triệu bạc”, anh kể. Nhưng người thợ bắt ếch lâu năm này nói anh không thích bắt ếch lúc mưa rào. Thường thì dân gian hay chọn thời điểm đó, ếch đi giao phối, có khi tóm được “cả anh, cả ả”.

“Không thích bắt ếch mưa rào là vì lúc đó cả làng cùng đi bắt, sáng hôm sau ai cũng có ếch mang bán. Đầu nậu ép giá, lúc đó chẳng nổi trăm ngàn một cân. Mà không bán cho đầu nậu thì chỉ có đem về, chẳng bán được cho ai khác”, anh Ngọc nói.

 

Thế nên anh thích bắt ếch vào những ngày khô ráo. Lúc đó, cái tài của anh mới phát huy hết tác dụng. Chỉ mình anh có ếch, không đắt hàng, được giá mới là chuyện lạ. Anh bảo thời điểm này, ếch nuôi chỉ 50-60 ngàn/kg, còn ếch đồng lúc nào cũng từ 120 ngàn trở lên. Tôi thầm nghĩ, đến nhà hàng ở Hà Nội thì không biết còn lên đến đâu, mà cũng có mấy người thành phố giờ còn phân biệt được đâu là ếch đồng, đâu là ếch nuôi.

Anh Ngọc dẫn tôi vòng qua một bờ ruộng, qua trại lợn của nhà nào dựng giữa đồng, men tới một bờ ao có rặng duối khá rậm rạp. Anh bảo, ở đây có ba con to, anh đã bắt một, vẫn còn hai con. Hóa ra người thợ săn này đã “lập danh sách, địa chỉ” của từng “cụ” ếch mà anh dự định sẽ bắt. Các “cụ” này chắc cũng đã đụng mặt anh một vài lần nhưng vì lý do gì đó mà vẫn chưa sa lưới.

Và lần này, một trong hai cụ “đại vương ếch cốm” đã vào rọ của phường săn. “Mấy hôm nữa sẽ lại qua đây hỏi thăm con còn lại”, anh Ngọc nói.

 

 Ở trong giỏ tre, mấy con ếch cứ “ộp ộp” mãi không thôi. Chẳng hiểu chúng nó đang truyền thông điệp gì với nhau.

Chúng tôi tiếp tục đi, lần này xuyên qua một đám cỏ voi người ta trồng để nuôi bò sữa, cao quá đầu người. Địa hình phức tạp, mấp mô nên anh Ngọc nói tôi bật đèn pin để vượt nhanh qua chỗ này. Dưới chân tôi nào cỏ, nào xấu hổ, rậm rạp đến kinh người. Bỗng tôi lạnh sống lưng, người như đông cứng lại: Một con rắn to cỡ bắp tay, đen xì, bò ngang qua ngay trước mặt. Tôi định vùng chạy nhưng sực nhớ xung quanh toàn cây xấu hổ lẫn cỏ voi, chẳng biết đường nào mà lần, đành đứng chịu trận. May quá, con rắn không tỏ vẻ giận dữ hay hung hăng, nó nhanh chóng lủi vào bụi rậm.

“Chú mà nói sớm là anh cho nó lên đĩa”, thợ săn Ngọc tỏ vẻ tiếc rẻ khi nghe tôi nói về con rắn.

Tối hôm đó, sau khi đi bộ 3 giờ với khoảng 10km đường bờ ruộng, tổng số ếch mà anh em tôi bắt được là 16 con, cân được gần 3kg.

 

Tối hôm sau trời có trăng. Anh Ngọc rủ tôi săn tiếp, nhưng lần này đi bằng thuyền. “Mùa này nước lên, ếch từ đồng lên bờ ngồi, hoặc lên đám lá sen, trang, súng rình muỗi”, anh Ngọc nói. Tôi cũng chưa hiểu ngồi trên thuyền thì bắt ếch kiểu gì.

 

Chúng tôi bơi thuyền dọc bờ đầm. Anh Ngọc vừa chèo nhẹ vừa chiếu đèn vào bờ. Chúng tôi đã chộp được mấy con. “Ếch cũng như người. Con khôn, con dại”, anh Ngọc bảo. Theo anh, con ếch khôn khi rọi đèn vào mắt sẽ không ngồi yên hoặc nhảy ngay, thay vào đó sẽ từ từ trườn đi, lần vào bóng tối, nhẹ nhàng lặn mất. Kẻ đi săn sẽ không biết đường nào mà lần. Con nào dại thì đờ người ra chịu bị túm. Khôn hơn tí thì nhảy luôn xuống nước, dù đối với thợ săn thì họ vẫn có cách lôi con ếch đó lên.

Anh Ngọc đã phát hiện ra một con ếch xanh khá to đang ngồi trên một cái lá trang (loài cây thủy sinh có lá tương tự lá súng, sen nhưng nhỏ hơn, có hoa nhỏ màu trắng). Người thợ săn dày dạn kinh nghiệm đưa cái vợt lên từ từ ướm trước mặt con ếch. Bất chợt, anh lấy mái chèo gõ mạnh vào mạn thuyền. Con ếch giật mình đạp chân nhảy đi và đương nhiên là nó phi mạnh về phía trước, nơi cái vợt lưới đã chờ sẵn. Thế là rồi đời ếch ta!

Nguyễn Xuân Thủy

Tin mới