Sau thành công của ca thông tim xuyên tử cung cứu thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam do hai bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 (TP.HCM) phối hợp thực hiện, trả lời VTC News, đại diện ê-kip TS.BS Đỗ Nguyên Tín - Phó Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trường hợp bào thai bị dị tật tim bẩm sinh, không có lỗ van động mạch phổi tại Việt Nam không hề ít.
Tuy nhiên, trước đây, kỹ thuật y khoa trong nước chưa đủ điều kiện để thực hiện. May mắn, khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân với thai có bất thường nặng về tim, dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, ê-kíp đã có đầy đủ dụng cụ, đã được huấn luyện trước đó.
“Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện kỹ thuật thông tim ngay trong bụng mẹ. Khó khăn lớn nhất là bào thai ở trong bụng mẹ, bào thai lắc lư không đứng im. Việc tìm thấy mạch máu hay đâm xuyên qua mạch máu gây chảy máu cũng rất nguy hiểm nên đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.
Thời khắc cân não nhất có lẽ là lúc can thiệp, tim bào thai quá nhỏ, tương đương trái dâu tây, bác sĩ phải đâm kim 18G một đường dài xuyên qua thành tử cung, xuyên qua thành ngực bào thai tới tim”, BS.Tín chia sẻ.
TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Phó Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1.
TS.BS Đỗ Nguyên Tín thông tin thêm việc can thiệp ngay trong bụng mẹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng ê-kíp vẫn quyết định thực hiện khi bào thai bước vào tuần thứ 32.
Theo ông, ca này có 2 trường hợp xảy ra. Trường hợp đầu tiên chiếm tỷ lệ cao là để lâu, thai sẽ bị chết lưu ngay trong bụng mẹ. Trường hợp thứ hai, may mắn hơn, sản phụ có thể sinh con ra, nhưng lúc đó tim đã bị hư, buộc phải mổ can thiệp, sau này tim cũng không trở lại bình thường được.
Về việc sản phụ đã phát hiện thai nhi có dị tật tim khi thai được 20 tuần nhưng không can thiệp ngay, BS Tín cho biết ở thời điểm đó, bệnh viện đã bắt đầu chuẩn bị dụng cụ và hoàn tất điều kiện xin phép.
Ê-kíp 2 bệnh viện đang thực hiện ca thông tim xuyên tử cung cứu bào thai bị dị tật tim bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: BVCC)
Theo BS Tín, đề phòng trường hợp xảy ra tai biến, bào thai phải đủ tuần tuổi có thể mổ đưa em bé ra ngoài. Vậy nên đây là thời điểm vàng, không sớm cũng không trễ để thông tim ngay trong bào thai, các tế bào gốc có thể tự sửa chữa và làm lành.
Bác sĩ Tín cho rằng, nếu chỉ mỗi ê-kíp Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ không thể làm được. Với sự kết hợp với ê-kíp Bệnh viện Từ Dũ đã giúp ca phẫu thuật thông tim xuyên tử cung cứu bào thai thành công.
Thành công của ca thông tim thai xuyên tử cung được giới chuyên môn đánh giá là bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực.
BS Tín hy vọng, sau kết quả lần này thế hệ y bác sĩ trẻ sẽ phát huy tốt các kỹ thuật y khoa, để trong tương lai nhiều bào thai sẽ được cứu sống, giảm gánh nặng y tế và chi phí của bậc cha mẹ sau này.
Lãnh đạo TP.HCM đã tặng bằng khen và khen thưởng đột xuất cho ê-kíp 2 bệnh viện gồm Từ Dũ và Nhi đồng 1 vì thực hiện ca thông tim xuyên tử cung, cứu sống bào thai dị tật tim bẩm sinh nặng.
Trước đó, sản phụ L. sinh năm 1996 mang thai lần đầu, được theo dõi thai kỳ tại Đà Nẵng. Khi phát hiện thai có bất thường nặng về tim, dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất, sản phụ L. được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ.
Trong quá trình theo dõi, bác sĩ phát hiện thai nhi có dấu hiệu trở nặng, nguy cơ tử vong trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi sinh ra.
Ngày 3/1, Bệnh viện Từ Dũ đã hội chẩn liên viện khẩn cấp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 để các chuyên gia về Sơ sinh và Tim mạch của BV Nhi Đồng 1 cùng các chuyên gia về Sản của BV Từ Dũ thống nhất kết luận nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi ngay thì khả năng cao thai sẽ mất trong bụng mẹ.
Các chuyên gia Sản và Nhi của 2 bệnh viện thống nhất can thiệp trong bào thai bán khẩn trong trường hợp này là giải pháp phù hợp nhất và cấp bách nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.
Vào 9h ngày 4/1, ê-kíp của 2 bệnh viện bắt đầu tiến hành can thiệp tim thai nhi. Sau can thiệp thông van tim cho bào thai, bệnh viện siêu âm kiểm tra thấy dòng chảy qua van động mạch phổi của thai nhi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.
Được biết, hai kíp phẫu thuật của cả 2 bệnh viện đã cân não đảm bảo độ chính xác ở mức tuyệt đối, không một sự cố nào xảy ra trong suốt quá trình can thiệp. Kết quả cuối cùng đã thành công như mong đợi.
Quá trình theo dõi thai kỳ sắp tới sẽ là sự phối hợp của 2 bệnh viện nhằm đảm bảo sức khoẻ cho mẹ con sản phụ.
Ngày 5/1, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ của ngành y tế TP.HCM 2024, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã tặng bằng khen và khen thưởng đột xuất cho ê-kíp 2 bệnh viện gồm Từ Dũ và Nhi đồng 1 vì thực hiện ca thông tim xuyên tử cung, cứu sống bào thai dị tật tim bẩm sinh nặng.