Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ chỉ mẹo tăng thị lực cho mắt với quy tắc 20-20-20

(VTC News) -

Khoảng 30% cận thị ở trẻ liên quan đến yếu tố di truyền, còn lại do lối sống sinh hoạt hằng ngày.

ThS.BS Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga TP.HCM chia sẻ thông tin trên tại Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hệ thống bệnh viện, tối 4/5.

Tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó, cận thị chiếm tỷ lệ cao nhất. Số người mắc tật khúc xạ này vẫn tăng mạnh những năm gần đây, nhất là khu vực thành thị. Tỷ lệ cận thị ở Hà Nội và TP.HCM có thể lên tới 50-70% ở học sinh.

Theo bác sĩ Hương, một số khảo sát ở TP.HCM cho thấy, tỷ lệ cận thị ở trẻ nội thành cao hơn ngoại thành. Học sinh cấp 2, cấp 3 cận thị nhiều hơn cấp 1. Đặc biệt học sinh tại các trường chuyên tỷ lệ cận thị cao hơn các trường khác.

Cận thị bẩm sinh (do di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để chẩn đoán và điều trị sớm.

Còn lại 70% cận thị ở trẻ liên quan đến lối sống sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như việc nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, sách báo hay áp lực học tập, thường xuyên ngồi trong phòng, không có sinh hoạt ngoài trời. Các thói quen trên khiến cho cho mắt liên tục điều tiết ở cự ly gần, là nguyên nhân dẫn đến cận thị.

Một bệnh nhân được phẫu thuật mắt tại bệnh viện. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Các dấu hiệu thường thấy ở người lớn bị cận thị là nhìn mờ khi vật ở xa, nheo mắt để nhìn, khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng, không có hứng thú trong học tập, nhanh mệt mỏi khi làm việc.

Riêng trẻ em có xu hướng và tiến sát đến tivi để xem, ngại đọc sách hoặc các hoạt động phải nhìn xa, cúi sát mặt khi nhìn sách, điện thoại, trẻ thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt.

Chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta nên khám mắt định kỳ 1 năm 2 lần. Ngoài ra trong sinh hoạt thường ngày, bạn nên tuân thủ các thói quen ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh để "tăng tuổi thọ cho mắt".

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên nuôi dưỡng đôi mắt của trẻ bằng việc tuân thủ quy tắc “20-20-20". Quy tắc này nghĩa là cứ sau 20 phút sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ nên rời mắt khỏi màn hình và nhìn vào một vật cách 20 feet (tương đương 6m) trong thời gian 20 giây.

Bên cạnh đó, trẻ nên tập thói quen nghỉ giải lao và nhìn các vật ở xa trong thời gian sử dụng màn hình, điều này làm giảm đáng kể các triệu chứng mỏi mắt. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng thước dây để đo chính xác khoảng cách một vật đúng 20 feet.

Theo TS.BS Bazhanov Vitalii Nikolaevich, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga TP.HCM, hiện có rất nhiều các phương pháp khắc phục hạn chế do cận thị như đeo kính gọng phân kỳ, kính áp tròng hoặc phẫu thuật. Trong phẫu thuật có nhiều phương pháp như Lasik, Femto, Smile và Smile Pro. Trong đó, Smile Pro là phương pháp hiện đại nhất hiện nay.

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Y tế đánh giá bệnh viện đã tham gia tích cực vào chương trình phòng chống mù lòa quốc gia khi điều trị khỏi cho 3 triệu bệnh nhân, phẫu thuật thành công cho 200.000 ca đem lại ánh sáng cho nhiều người dân.

Bệnh viện được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là đơn vị có số ca phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng phương pháp Smile nhiều nhất tại Việt Nam, và bệnh viện có số lượng ca phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể với kính đa tiêu Zeiss nhiều nhất tại Việt Nam.

NHƯ LOAN

Tin mới