Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bác sĩ chỉ 7 nguyên nhân gây ung thư thực quản và dấu hiệu không thể chủ quan

7 nguyên nhân gây ung thư thực quản và dấu hiệu không nên bỏ qua.

Theo thống kê của Hiệp hội ung thư thế giới, trong năm 2020, có hơn 3.200 người dân Việt Nam được chẩn đoán Ung thư thực quản, và hơn 3.000 người bệnh tử vong vì căn bệnh này, xếp thứ 9 về số tử vong do bệnh ung thư. Hơn thế, con số này đang không ngừng gia tăng nhanh chóng.

Một điều rất đáng buồn là chỉ có chưa đến 2% số người bệnh được chẩn đoán ung thư thực quản ở giai đoạn sớm, trong khi với các ung thư khác, tỷ lệ chẩn đoán sớm có thể lên tới 20%, thậm chí gần 50% (ung thư vú, ung thư cổ tử cung). Khi ở giai đoạn muộn, tiên lượng điều trị rất khó khăn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt xấp xỉ 5%.

Những yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Rượu và thuốc lá: Là nguyên nhân chính gây ung thư thực quản biểu mô vảy tại vị trí 2/3 trên của thực quản. Hút xì gà và tẩu cũng tăng nguy cơ ung thư biểu mô vảy nhưng mức độ thấp hơn thuốc lá. Rượu mạnh làm tăng nguy cơ ung thư cao hơn bia và rượu vang.

Thói quen ăn uống: Các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam thường có chế độ ăn nhiều Nitrosamin như thịt nướng và một số thực phẩm đặc thù dưa cà muối. Nitrosamin đã được chứng minh là yếu tố sinh ung thư. Ăn, uống đồ nóng tăng nguy cơ ung thư thực quản. Riêng uống nước chè nóng (từ 60-64 độ hoặc rất nóng là trên 65 độ hoặc uống chè trong vòng 3 phút sau khi pha làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư thực quản biểu mô vảy). 

Trào ngược dạ dày- thực quản: Có triệu chứng trào ngược dạ dày-thực quản mỗi tuần/lần làm tăng nguy cơ ung thư thực quản lên 5 lần, trào ngược mỗi ngày một lần làm tăng nguy cơ này lên 7 lần.  Những người bị bệnh thực quản Barrette có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 30 lần so với bình thường, 0.12% số người bị bệnh này xuất hiện ung thư thực quản.

Phẫu thuật điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện K

Béo phì: Làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến lên 1.52 lần với BMI 25-30, nguy cơ tăng lên khi BMI tăng lên.

Các bệnh tăng tiết axit dạ dày: làm tăng nguy cơ ung thư thực quản biểu mô tuyến.

Cắt túi mật có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản biểu mô tuyến. 

Một số yếu tố nguy cơ khác: Bệnh co thắt thực quản, tiền sử cắt dạ dày, viêm dạ dày thể teo đét, HPV, bệnh tăng tạo chai lòng bàn tay, bàn chân, dùng thuốc Biphosphonate và mắc ung thư đường hô hấp trên. 

Một số loại thức ăn và thuốc có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc ung thư thực quản biểu mô tuyến: Chế độ ăn giàu chất xơ từ hạt ngũ cốc, beta-caroten, folate, vitamin C, B6, chất chống oxi hóa làm giảm nguy cơ bệnh Barrette thực quản và ung thư biểu mô tuyến. Ngược lại, chế độ ăn giàu cholesterol, đạm động vật và vitamin B12 làm tăng nguy cơ loại ung thư này. Aspirine và một số loại thuốc chống viêm không Steroid khác (như Paracetamol…) làm giảm tỉ lệ ung thư thực quản biểu mô tuyến.

Các triệu chứng

Ở giai đoạn đầu: Triệu chứng báo hiệu thường không đặc hiệu. Bệnh nhân có thể có cảm giác thức ăn dính, khó nuốt nhưng vẫn có thể nuốt nếu nhai kỹ. Một số bệnh nhân có cảm giác nóng rát, khó chịu sau xương ức.

Ở giai đoạn tiến triển tại chỗ:

+ Bệnh nhân nghẹn thức ăn đặc tăng dần gây ra do khối u bít tắc lòng thực quản.

+ Sút cân: Liên quan tới nuốt nghẹn, tới thay đổi chế độ ăn và sự phát triển của khối u.

+ Trào ngược nước bọt hoạc thức ăn: Gặp ở một số bệnh nhân giai đoạn tiến triển.

+ Bệnh nhân có thể gặp viêm phổi do trào ngược.

+ Khàn tiếng nếu dây thần kinh thanh quản quặt ngược bị u xâm lấn.

+ Thiếu máu, thiếu sắt do mất máu mạn tính từ khối u là dấu hiệu rất thường gặp.

+ Ít khi có biểu hiện nôn ra máu, đi vệ sinh phân đen hay trào ngược ra dịch có máu. Xuất huyết tiêu hóa ồ ạt xảy ra khi u ăn mòn động mạch chủ, phổi hay động mạch phế quản.

+ Dò khí quản là biến chứng muộn của bệnh, xảy ra khi ung thư xâm lấn trực tiếp từ lòng thực quản vào lòng khí quản (đường thở, nằm ngay phía trước thực quản trong lồng ngực). Bệnh nhân ho không kiểm soát được và thường xuyên viêm phổi. Thời gian sống thêm của những bệnh nhân này là dưới 4 tuần.

Ung thư thực quản sẽ được phân biệt với một số bệnh lành tính cũng gây nuốt nghẹn như: Túi thừa thực quản; Co thắt tâm vị; Nuốt nghẹn do rối loạn tâm thần; Viêm hẹp thực quản do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản; Sẹo hẹp thực quản do uống nhầm axít, kiềm, nuốt mật nóng. Bên cạnh đó, một số bệnh khối u vùng cổ và trung thất đè vào thực quản, ung thư cực trên dạ dày cũng gây nuốt nghẹn.

Nếu có những dấu hiệu kể trên, bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để có thể được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới