Ngày 2/7, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Bộ trưởng Janet Yellen tới Trung Quốc từ ngày 6-9/7 để gặp gỡ các quan chức cấp cao nước này. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về các vấn đề thương mại, công nghệ cũng như vấn đề Đài Loan đang khiến cả hai nước phải xem xét lại mối quan hệ thương mại và đầu tư đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Bà Yellen cho rằng việc thảo luận với nhau về những bất đồng hiện nay sẽ giúp xoá bỏ những hiểu lầm, đồng thời duy trì những liên kết vốn có. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc lại muốn đảo ngược tình trạng suy thoái trong nước bằng cách mở cửa cho các doanh nghiệp phương Tây.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. (Ảnh: AP)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài có thể dẫn tới “sự phân mảnh” nền kinh tế thế giới thành hai khối, làm chậm tăng trưởng toàn cầu. Nếu mối quan hệ này không được cải thiện, các quan chức Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể cắt quyền tiếp cận của Washington đối với các hàng hóa quan trọng như linh kiện cho pin xe điện. Tại Bắc Kinh, các quan chức đang chỉ trích các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ là một nỗ lực nhằm kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng một rủi ro lớn đối với nền kinh tế và an ninh toàn cầu sẽ là sự sụp đổ thực sự trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta cần ổn định mối quan hệ này và nối lại các kênh liên lạc”, bà Yellen nói trong một cuộc phỏng vấn.
Nỗ lực ngăn chặn vòng xoáy đi xuống trong quan hệ Mỹ - Trung
Trước đó, vào tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm Trung Quốc trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trước hàng loạt các sự kiện nhạy cảm như sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan, sự cố khinh khí cầu bay lạc của Trung Quốc hồi tháng 2...
Sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, hôm 19/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đồng ý với các yêu cầu của Mỹ về việc nối lại đối thoại quân sự để giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm. Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, hành động này là vì Bắc Kinh không hài lòng với việc Washington không ngừng vi phạm “lợi ích cốt lõi” của họ trong các vấn đề như Đài Loan.
Theo quan chức Mỹ, chuyến đi được mong đợi từ lâu của bà Yellen là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường liên lạc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ổn định mối quan hệ và giảm thiểu rủi ro sai lầm khi nảy sinh bất đồng.
Các cuộc thảo luận của bà Yellen tại Bắc Kinh sẽ tập trung vào các cách thức "quản lý có trách nhiệm" các mối quan hệ song phương, liên lạc trực tiếp về các lĩnh vực gây quan ngại và phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden đã chuẩn bị một sắc lệnh trong nhiều tháng nhằm cắt đứt một số khoản đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc – các lĩnh vực được Mỹ coi là rủi ro đối với an ninh quốc gia. Washington cũng đang cân nhắc các hạn chế bổ sung đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc nhằm hạn chế khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến của Bắc Kinh.
Đáp lại, Trung Quốc trong những tuần gần đây cũng gia tăng áp lực lên các công ty nước ngoài, mở rộng luật gián điệp, thẩm vấn nhân viên tại các công ty phương Tây và cấm một số công ty mua sản phẩm từ Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất ở Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh đang lên kế hoạch đưa các thành phần chính của công nghệ năng lượng mặt trời vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Động thái này có thể làm tổn hại đến những nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng nguồn cung cấp năng lượng mặt trời nội địa.
Phát biểu tại tại một hội nghị ở Paris, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết: “Trung Quốc sẽ dứt khoát từ chối chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng như tất cả các hình thức tách rời và cắt đứt chuỗi cung ứng”.
Có thể thấy, căng thẳng đã bắt đầu định hình lại quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục 690 tỷ USD vào năm ngoái, tỷ trọng nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ có xu hướng đi xuống.
Theo IMF, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc cho các hoạt động mới đã giảm mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo Viện Tài chính Quốc tế, các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Trung Quốc cũng đã suy yếu kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Các quy định mới cấm một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đã khiến một số công ty đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tạm ngừng giao dịch vào thị trường chung.
Duy trì mối quan hệ thân thiện
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ và Trung Quốc cho biết cả hai bên sẽ cố gắng giữ cho các cuộc đàm phán diễn ra thân mật. Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Yellen và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Thụy Sĩ vào tháng 1, hai bên đã tránh đề cập đến các chủ đề gây tranh cãi như thương mại. Thay vào đó, bà Yellen và ông Lưu chỉ thảo luận riêng về các vấn đề này trong giờ giải lao, WSJ cho biết.
Trong chuyến thăm lần này, bà Yellen, người có mối quan hệ rộng rãi với các quan chức Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, bày tỏ hy vọng sẽ có cơ hội trao đổi và làm quen với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.
“Chúng tôi có một nhóm quan chức cấp cao mới ở Bắc Kinh, tuy nhiên, họ có rất ít cơ hội giao dịch với những người đồng cấp Trung Quốc. Tôi nghĩ điều đặc biệt quan trọng là phát triển những mối quan hệ cá nhân đó”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Eswar Prasad, cựu Giám đốc mảng Trung Quốc của IMF, cho biết bà Yellen là một đối tác thân thiện hơn đối với giới chức Trung Quốc so với các quan chức khác của chính quyền Tổng thống Biden. Bà Janet Yellen đã nhiều lần khẳng định rằng cả hai nước đều có thể hưởng lợi từ trao đổi và cạnh tranh kinh tế.
Tuy nhiên, cho tới nay, chưa bên nào có dấu hiệu nhân nhượng và thay đổi cách tiếp cận của mình giữa bối cảnh các chiến lược an ninh quốc gia ngày càng định hình quá trình hoạch định chính sách kinh tế.