Mức hỗ trợ tuy không quá cao, song nam sinh cho biết bản thân nỗ lực không ngừng để trở thành 1 trong 520 sinh viên của niên khóa 2021 – 2025.
Bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ du học từ năm lớp 8, Nguyễn Bá Việt Dũng, học sinh lớp 12 Trường THPT Liên cấp Olympia (Hà Nội) lên một kế hoạch dài hạn, đặt mục tiêu cụ thể cho từng năm học. Ngoài việc chú trọng học ngoại ngữ, chuẩn bị bài luận, nam sinh luôn cố gắng có kết quả học tập tốt và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Lớp 10 thi TOEFL, lớp 11 Dũng ôn luyện để thi SAT. Nam sinh hoàn thành mục tiêu đề ra, đạt 1530 SAT, 111 TOEFL sớm hơn so với dự định. Bước sang năm lớp 12, Dũng quyết định dừng tham gia các giải tranh biện để tập trung cho việc viết bài luận.
Em biết việc chuẩn bị hồ sơ apply, ôn thi luôn căng thẳng, áp lực. Vì thế mà Dũng luôn cố cân bằng giữa việc học hành và tham gia các hoạt động. Đối với học tiếng Anh, hai kỹ năng nghe – nói em thường tự tập luyện trước gương hoặc các bạn trong nhóm tranh biện.
Riêng đọc – viết em thường áp dụng vào viết các bài luận. Mỗi ngày em sẽ đặt mục tiêu viết hai bài và ôn tập hết phần từ mới liên quan. Bên cạnh đó em cũng duy trì tham gia các giải đấu tranh biện cũng như hoạt động xã hội khác.
Tình yêu tranh biện
Dũng từng là một trong những debater (người tranh biện) trẻ tuổi nhất tham gia một cuộc thi tranh biện tại Indonesia. Là một học sinh lớp 7 nhưng Dũng không ngần ngại, tự tin tranh biện với những anh chị ở các đội tuyển quốc tế khác.
Việt Dũng tham dự Chương trình Mô phỏng Liên Hợp Quốc – Những nhà lãnh đạo quốc tế 2019 tại Thái Lan năm 2019.
Suốt nhiều năm liền, Dũng tham gia các cuộc thi tranh biện cấp thành phố và quốc gia. Nam sinh giành được hơn 20 giải thưởng như: Thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự WSDC (World Schools Debating Championship) và đạt được giải thưởng đội tuyển trẻ triển vọng 2018; Giải nhất cuộc thi Hanoi Debating tournament 2019; Top 2 Speaker Hanoi Debating tournament 2019… Dũng cùng đội tuyển tham dự nhiều cuộc thi tranh biện, sáng tạo tại Malaysia, Croatia, Indonesia, dự giải 5th Oldham Cup 2019 tại Singapore…
“Tranh biện mở ra những trang mới trong cuộc đời học sinh của em. Trước khi biết đến tranh biện, em là một người khá thờ ơ, rụt rè và không để ý những vấn đề xảy ra xung quanh bản thân, em chỉ học những gì có trong sách vở đơn thuần. Nhưng giây phút em biết đến tranh biện cũng là lúc mà đầu óc em được mở mang hơn, luôn khơi gợi cho em tìm hiểu vạn vật để đưa ra góc nhìn đa chiều", Dũng nói.
Từ một debate trẻ, năm lớp 12 Dũng trở thành giám khảo chấm thi cho nhiều cuộc thi hùng biện khác. Chính tranh biện nuôi dưỡng trong em mơ ước được đại diện cho Việt Nam đứng trên đấu trường quốc tế tranh biện về những vấn đề nóng hổi. Đó cũng là cơ duyên để Dũng lựa chọn theo học chuyên ngành quan hệ công chúng tại Đại học Johns Hopkins.
3 điều cần tránh khi chuẩn bị hồ sơ
Sau khi tìm hiểu kỹ, Dũng nhận ra một vài lưu ý quan trọng để ghi điểm ngay lần đầu apply học bổng. Đầu tiên là cách lựa chọn chủ đề bài luận. Đây là yếu tố thể hiện được hiểu biết, tư duy, mong muốn cá nhân để thuyết phục các trường đại học nước ngoài. Theo Dũng nên chọn chủ đề bài luận gần gũi, dễ hiểu để diễn đạt được thực tế và sâu sắc hơn.
Nhiều người nghĩ viết luận luôn phải chọn đề tài mới lạ, độc đáo mới thu hút giám khảo. Nhưng cá nhân Dũng nghĩ, bài luận có thể là bất cứ vấn đề nào xung quanh bản thân mình. Dũng đã lựa chọn chủ đề bài luận là lòng trung thành, một giá trị quan trọng đối với mỗi người.
Ngoài ra, chọn lọc thông tin đưa vào bản lý lịch bản thân (CV) đặc biệt quan trọng. Thông tin phải có chọn lọc nội dung, tránh đưa vào đại trà liệt kê quá dài dòng. Một CV đẹp để thuyết phục hội đồng cần có điểm nhấn về năng lực chuyên sâu của bạn, thể hiện được mong muốn dự định về ngành theo học. Đồng thời, bản giới thiệu thể hiện được bạn có khả năng đóng góp và lan tỏa giá trị tích cực như thế nào.
Bí quyết quan trọng mà nam sinh áp dụng là chỉ đưa những thông tin cần thiết, nói được bản thân mình là ai, cũng như vai trò của bản thân với đóng góp cộng đồng như thế nào. Thể hiện được kết quả hoạt động của mình đã tác động, thay đổi nhận thức mọi người xung quanh như thế nào. Bản CV của Việt Dũng chỉ vỏn vẹn một trang, nhưng thể hiện rõ lợi thế cá nhân và rất thuyết phục.
Điều cuối cùng, chính là phân bố thời gian hợp lý và chấp nhận buông bỏ những điều không quan trọng.
“Đừng để nước đến chân mới nhảy mà hãy để mình trong tư thế chủ động, tránh áp lực. Như bản thân em dù đã chuẩn bị cho các kỳ thi từ trước, từ bỏ nhiều cuộc tranh biện để chuẩn bị hồ sơ. Nhưng tháng cuối trước hạn nộp, em mới thực sự chuyên tâm vào viết hồ sơ, viết luận và thư giới thiệu nên khá căng thẳng”, Việt Dũng nói.