Trong nhiều hội nhóm dành cho bà bầu, mẹ bỉm sữa trên mạng xã hội, chị em thường mách nhau cách uống nước dừa thật nhiều trong thời kỳ mang thai để em bé sinh ra có nước da sáng sủa. Không ít thai phụ dù không thích và thấy đầy bụng nhưng vẫn cố gắng uống mỗi ngày để đạt mục tiêu này.
Đây là câu hỏi mà chắc chắn rất nhiều bà bầu thắc mắc. Nhiều năm nay trong dân gian, người ta vẫn truyền nhau kinh nghiệm đó. Niềm tin uống nước dừa sinh con trắng trẻo đã được truyền miệng từ rất lâu và không ít người vẫn tin dù không có chứng cứ khoa học cụ thể.
Sự thật uống nước dừa có giúp trẻ sơ sinh trắng hồng? Theo bác sỹ Hồ Thu Thủy, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, uống nước dừa rất tốt nhưng nếu uống nhiều sẽ không tốt cho đường huyết của các bà bầu, làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ. Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của nước dừa với sắc da của thai nhi.
Uống nước dừa có giúp trẻ sơ sinh trắng hồng? Không có bằng chứng khoa học nào về điều này.
Nước dừa chứa một loạt các dưỡng chất nổi bật như vitamin A, E, canxi, kali, clorua…, rất cần thiết để cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều chị em lầm tưởng bà bầu uống nhiều nước dừa thì nước ối sẽ nhiều và sạch hơn.
Tuy nhiên, lượng đường trong nước dừa tương đối cao. Do đó, nếu mẹ bầu uống nước dừa liên tục và kéo dài có thể dẫn tới bệnh tiểu đường thai kỳ, ngoài ra còn có thể bị dư ối, đa ối.
Các bác sỹ nhấn mạnh, giai đoạn quan trọng mà các thai phụ cần lưu ý khi dùng nước dừa là:
3 tháng đầu thai kỳ: Không nên uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ. Lý do là trong 3 tháng đầu thai kỳ, các bà bầu thường rất nhạy cảm. Nước dừa tính hàn, có thể giảm huyết áp hay làm hạn chế tình trạng ợ hơi khó tiêu, song nếu cơ thể bà bầu quá nhạy cảm, sức khỏe không ổn định thì việc dùng nước dừa ở thời điểm này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
3 tháng giữa thai kỳ: Nên uống nước dừa đều đặn 3-4 lần/tuần vì ở thời điểm này sức khỏe đa số các bà bầu đã dần ổn định. Thai phụ có thể tận dụng nguồn dinh dưỡng từ nước dừa để giúp cơ thể khỏe khoắn hơn, cũng như giúp cho môi trường nước ối của em bé được sạch hơn.
3 tháng cuối thai kỳ: Việc uống nước dừa cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn bởi gần về cuối thai kỳ, tình trạng nước ối có thể bị thay đổi và một số nguy cơ bệnh thai kỳ có thể xuất hiện. Do đó, các bà bầu vẫn có thể uống nước dừa nhưng nên kiểm soát chặt chẽ. Nếu gặp phải tình trạng huyết áp giảm hay nước ối nhiều thì cần hạn chế uống nước dừa.
Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên ăn uống đa dạng, hạn chế đồ ngọt trong quá trình mang thai để phòng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Các chuyên gia y tế cho biết, những trường hợp bệnh lý sau nên thận trọng khi quyết định sử dụng nước dừa:
Xơ nang: Xơ nang dẫn tới giảm nồng độ muối trong cơ thể. Một số người mắc bệnh xơ nang cần uống nước hoặc thuốc để tăng nồng độ muối, đặc biệt là natri. Nước dừa không phải là chất lỏng tốt để tăng nồng độ muối ở những người bị xơ nang. Nó có thể chứa quá ít natri và quá nhiều kali.
Kali trong máu cao: Nước dừa chứa nhiều kali, do đó không nên uống nếu bạn có lượng kali cao trong máu.
Huyết áp thấp: Nước dừa có thể làm giảm huyết áp, vì thế nếu bị huyết áp thấp thì bạn không nên uống nhiều nước dừa.
Có vấn đề về thận: Nước dừa có hàm lượng kali cao. Kali thừa thường được bài tiết qua nước tiểu nhưng nếu thận có vấn đề thì hoạt động này sẽ kém. Việc uống nước dừa có thể làm tăng gánh nặng cho thận. Do đó hãy hỏi bác sỹ về việc có nên uống nước dừa hay không nếu bạn có vấn đề về thận.
Sắp phẫu thuật: Nước dừa có thể ảnh hưởng tới sự kiểm soát huyết áp trong suốt quá trình phẫu thuật. Bạn hãy dừng uống nước dừa hai tuần trước khi phẫu thuật.