Bắc bộ đang vào mùa gặt. Khác với cánh đồng thẳng cánh cò bay ở dưới xuôi, những khoảnh ruộng bậc thang thấp thoáng trong làn mây mờ ảo của Hoàng Su Phì (Hà Giang) lại làm nức lòng người bởi tầng tầng lớp lớp mảng màu vàng óng gối lên nhau.
Hoàng Su Phì có 4.000 hecta ruộng bậc thang. Trong đó, 2196 hecta được Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch công nhận danh thắng quốc gia. Hiện nơi đây có 11 xã có danh thắng quốc gia ruộng bậc thang và huyện đã phát triển du lịch tại 7 xã.
Tại Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang đã đi vào văn hóa tín ngưỡng với lễ hội Khu cù tê của dân tộc La Chí, lễ Cấp sắc, Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ, lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày. Tháng 10 có Tết đóng cửa kho...
Anh Vàng Văn Khún (trú tại Bản Nhùng, Hoàng Su Phì) cho biết, thôn của anh có 91 hộ làm ruộng, với 48 hecta ruộng bậc thang, có những quả đồi "cõng" vài chục khu ruộng bậc thang. Vào mùa lúa chín, nhiều du khách kéo đến đây để chụp ảnh và ngắm cảnh.
Theo ông Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, địa phương luôn có chính sách bảo tồn ruộng bậc thang, phát triển đời sống của người dân.
"Chúng tôi cung cấp những giống lúa cao sạ chất lượng cao cho dân gieo trồng. Đây cũng là hướng để phát triển du lịch địa phương", ông Tân chia sẻ.
Theo người dân Hoàng Su Phì, họ muốn canh tác hai vụ lúa trong năm nhưng chỉ làm được một vụ do khó khăn về nguồn nước. Sau khi gặt, họ trồng đậu tương và ngô, đến tháng 4, tháng 5 lại trồng lúa.
Hiện người dân nơi đây bắt đầu vào mùa gặt, cũng là lúc vẻ mỹ lệ của các khu ruộng bậc thang bừng lên, đẹp ngỡ ngàng.
Những đứa trẻ Bản Nhùng dành nụ cười thân thiện cho khách lạ.
Cuộc sống người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến đường còn gập ghềnh như ở xã Tân Tiến, xã Tùng Sán...