Hơn 2 tuần nay, những cánh rừng ở xã Sơ Pai, Sơn Lang, Krong hay thị trấn Kbang thuộc huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) chuyển màu vàng - đen khi cây xoay vào mùa quả chín. Huyện Kbang còn được biết đến cái tên vựa xoay của tỉnh Gia Lai.
Theo chu kỳ 3 năm một lần thì vụ xoay sẽ được mùa thu hái. Trái xoay thường chín trong khoảng hơn 2 tháng, từ tháng 8 đến cuối tháng 10. Tranh thủ những ngày này, hàng trăm người dân huyện Kbang chia nhau thành từng tốp, đến các cánh rừng tại địa phương để thu hái xoay.
Trung bình mỗi ngày, mỗi người sẽ hái được khoảng 20-30kg, có người nhiều thì tới 50kg. Mỗi ký xoay bán ra với giá dao động từ 15-20 nghìn đồng. Lợi nhuận mà quả xoay mang lại như thanh nam châm hút người đổ xô vào rừng thu hái loại quả lộc trời ban.
Việc hái xoay cũng đòi hỏi lắm công phu và may rủi, việc nhánh cây mắc vào khiến xây xước da chảy máu là chuyện thường ngày. Vì cây xoay có độ cao hàng chục mét nên thường sẽ có 1 đến 2 thanh niên có sức bền, nhanh nhẹn trèo lên trên cao rồi chặt cành thả xuống đất. Nhóm người còn lại sẽ ở dưới gốc cây, thi nhau nhặt cành vừa rơi xuống và hái quả, bỏ vào bao tải lớn.
Anh Đinh Lo (xã Sơ Pai, huyện Kbang) chia sẻ: "Thường khi đến mùa xoay, tụi mình rủ nhau vào rừng hái rồi đem đi bán. Xoay chỉ kéo dài khoảng 2 tháng nên trong khoảng thời gian này phải tranh thủ hái để kiếm thêm thu nhập. Việc hái xoay cũng phải cẩn thận nếu không có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào, khi leo lên trên cao thì hạn chế nhìn xuống dưới vì rất dễ chóng mặt".
Quả xoay bên ngoài có lớp vỏ màu nâu thẫm, hạt màu nâu đen rất cứng. Khi ăn chỉ cần dùng tay ấn nhẹ bóc lớp vỏ giòn bên ngoài để lộ ra lớp cơm bên trong. Cơm thường có màu vàng sậm, xốp và mềm. Quả xoay có vị chua, nhưng khi ăn để lâu một lúc sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh rất riêng biệt, mang hương thơm đặc trưng của rừng núi Tây Nguyên.
Quả xoay sau khi hái xong sẽ được người dân mang ra chợ bán trực tiếp cho thương lái. Một số khác thì đem đi sấy khô hoặc làm các món quà vặt để dành bán quanh năm sẽ được giá hơn.
Là loại quả "trời ban" mang lại thu nhập giúp người dân trang trải cuộc sống, song thay vì vừa thu hoạch vừa gìn giữ như người Bahnar trước kia, nay người dân lại sẵn sàng đốn hạ cả cây, tranh giành nhau khai thác ồ ạt. Đây cũng là một bài toán nan giải cho việc gìn giữ loại cây này trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Hợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai cho biết, nhằm tránh việc người dân tự ý chặt cây để hái quả, đơn vị đã tuyên truyền bà con chỉ được chặt cành nhỏ, cấm chặt cả cây. Cùng với đó, để bà con thu xoay có hiệu quả và quả đạt giá trị cao, công ty cũng cấm bà con hái trái xanh, phải đợi lúc trái chín mới "thả cửa rừng" để tạo điều kiện cho bà con hái lượm.