Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cảm thấy “lo ngại” trước thông tin bà Suu Kyi bị cáo buộc bổ sung, đề nghị quân đội thả người. Trong khi đó Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ trích các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi là “ngụy tạo” và “xâm phạm nhân quyền”.
Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar hôm 16/2 nói những gì xảy ra ở Myanmar “chắc chắn không phải điều Trung Quốc muốn thấy”. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh có quan hệ tốt với đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. (Ảnh: Reuters)
Luật sư của bà Aung San Suu Kyi hôm 16/2 cho biết bà đã bị cáo buộc với tội danh thứ hai về vi phạm luật quản lý thảm họa của Myanmar. Trước đó, bà đã bị cáo buộc vi phạm luật xuất nhập khẩu liên quan đến các bộ đàm được phát hiện ở nhà bà.
Vẫn chưa rõ luật quản lý thảm họa áp dụng như thế nào trong trường hợp của Aung San Suu Kyi. Luật này cũng được áp dụng cáo buộc chống lại Tổng thống Win Myint (đã bị tước quyền) liên quan đến một sự kiện chiến dịch được cho là vi phạm các hạn chế chống dịch.
Hơn 420 người bị bắt kể từ cuộc chính biến ngày 1/2. Người phát ngôn quân đội cho biết cả Suu Kyi và Win Myint đều đang ở “nơi an toàn hơn” và trong tình trạng “sức khỏe tốt”. “Không giống như họ bị bắt vì họ đều đang ở nhà”, người phát ngôn Zaw Min Tun nói. Ông trở thành thứ trưởng thông tin sau cuộc đảo chính.
Các cuộc biểu tình trên đường phố Myanmar và đình công phản đối đảo chính tiếp tục diễn ra trong ngày 16/2.