Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, Hà Nội được hoàn thành vào năm 1985. Hiện mỗi ngày, cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Sau 40 năm đưa vào sử dụng, mặt cầu và khe co giãn bị xuống cấp nhanh chóng, công tác sửa chữa, duy tu thường xuyên không đáp ứng được với lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ kiểm định cầu Chương Dương nhằm mục đích đánh giá hư hại để đưa ra phương án sửa chữa.
Từ 23h ngày 30/12, các đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc rào chắn, phân luồng để thử tải trên cầu Chương Dương. Quy mô thử tải là làn xe chính giữa cầu dành cho ô tô, làn xe máy vẫn được lưu thông.
Quy trình cấm làn xe giữa để thử tải diễn ra đến 4h ngày 31/12. Việc kiểm định cầu Chương Dương do hai đơn vị Công ty TNHH Giao thông Vận tải và Công ty TNHH Xây dựng Giao thông Vận tải thực hiện.
Ông Hoàng Việt Hải – Giám đốc Công ty TNHH Giao thông Vận tải cho biết: “Trung bình mỗi cây cầu sẽ được kiểm định 5 – 10 năm/lần. Cầu Chương Dương được kiểm định lần gần đây nhất vào năm 2013. Theo đó, chúng tôi bắt đầu kiểm định cầu Chương Dương lần này từ cuối tháng 11/2021 và dự kiến hoàn thành đầu tháng 1/2022”.
Theo ông Hoàng Việt Hải, lần kiểm định cầu này cầu Chương Dương sẽ được kiểm tra tổng thể tất cả các bộ phận nhằm phát hiện các hư hỏng tích lũy theo thời gian. Từ đó, đơn vị tư vấn, nhà thầu xác định được các phần hư hỏng để lên phương án sửa chữa.
“Khâu quan trọng nhất trong việc kiểm định cầu là thử tải sẽ được diễn ra vào ban đêm, nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ khảo sát nhịp dẫn, nhịp dầm thép liên hợp, khảo sát bê tông cốt thép, khảo sát dầm chủ…”, ông Hải cho biết thêm.
Nói về vấn đề kiểm định để đánh giá mức độ hư hại của cầu Chương Dương sau gần 40 năm khai thác, Thạc sĩ Nguyễn Đại Việt – Giảng viên khoa Cầu hầm, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, việc kiểm định tổng thể công trình cầu Chương Dương cần một quy trình khắt khe để đưa ra một số liệu tổng thể nhất định, chính xác mới có thể kết luận được hiện trạng của cầu đang ở mức đáng báo động như thế nào.
“Việc đánh giá tổng thể và bao quát cầu thường xuyên là rất tốt. Theo đó, việc kiểm định thường xuyên sẽ sớm phát hiện hư hỏng, thiếu sót để khắc phục càng sớm thì chi phí càng rẻ. Đặc biệt, việc kiểm tra tổng thể và sửa chữa tổng thể sẽ nâng cao khả năng đồng bộ và tuổi thọ của cây cầu”, Thạc sĩ Nguyễn Đại Việt chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, hạng mục cần được quan tâm nhất của cầu Chương Dương hiện tại là mặt cầu. Thiết kết của bộ phân này là lắp ghép, sau nhiều năm những mối nối đã không còn được đảm bảo.
Trên công trường, 50 kỹ sư cùng máy móc hiện đại tích cực làm việc trong giá lạnh. Để có thể kiểm định được mức độ hư hại, đơn vị phụ trách dùng 6 xe tải có khối lượng 27-30 tấn/xe đỗ tại 3 điểm gần nhau để thiết bị máy móc đánh giá độ võng của cầu.
Quy trình dùng xe cỡ lớn để thử tải sẽ được lặp lại 3 lần tại mỗi vị trí để đưa ra số liệu chính xác nhất.